Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận diễn ra chiều ngày 12-9 - Ảnh: Văn Nam
Hai trong số bốn dự án tọa lạc tại thành phố Phan Thiết, gồm dự án Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né trên diện tích gần 200 héc ta tại phường Hàm Tiến vốn đầu tư ước khoảng 200 triệu đô la Mỹ; và dự án khu du lịch cao cấp Hòn Rơm – Mũi Né diện tích gần 86 héc ta tại phường Mũi Né với số vốn dự kiến 92 triệu đô la Mỹ.
Hai dự án còn lại gồm dự án khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi có diện tích 330 héc ta với số vốn khoảng 42 triệu đô la Mỹ tại huyện Hàm Thuận Bắc; và dự án khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị vốn khoảng 50 triệu đô la Mỹ trên diện tích 310 héc ta, cách thành phố Phan Thiết 30 km về phía Nam.
Theo ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay Bình Thuận đã có 1.156 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 7 tỉ đô la Mỹ, trong đó 104 dự án có vốn nước ngoài với tổng vốn gần 1,7 tỉ đô la Mỹ đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, địa phương này dành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào các địa phương như huyện đảo Phú Quý, các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, và đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh.
Các chính sách ưu đãi gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, miễn giảm thuế nhập khẩu hàng hóa làm tài sản cố định cho dự án… Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ tín dụng dành cho việc đào tạo nguồn lao động, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường.
Tại hội nghị chiều nay, sau khi chính quyền tỉnh Bình Thuận công bố bốn dự án du lịch kêu gọi đầu tư, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Hoàng Quân tại TPHCM, đã đề xuất được triển khai dự án Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né trên diện tích gần 200 héc ta tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết. Ông Tuấn cũng kiến nghị chính quyền Bình Thuận được bổ sung thêm chức năng bất động sản nghỉ dưỡng cho dự án khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né nói trên.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cũng thông báo rằng tỉnh này cũng tiếp tục khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là chế biến xuất khẩu sử dụng nguyên liệu tại địa phương. Hiện Bình Thuận có nguồn khoáng sản đa dạng với gần 100 mỏ khoáng sản như than bùn, vàng, thiếc, chì, kẽm, và đặc biệt Bình Thuận có trữ lượng lớn về quặng titan với khoảng 500 triệu tấn.
Cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận chiều nay, đã có nhà đầu tư đề nghị được đầu tư một dự án sản xuất gạch không nung sử dụng xỉ than thải ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Hiện đã có 12 nhà đầu tư muốn xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung bằng nguồn nguyên liệu xỉ than nhiệt điện ở Bình Thuận.
Trả lời đề nghị xây nhà máy sản xuất gạch không nung sử dụng nguyên liệu xỉ than, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trả lời rằng nguyên liệu làm gạch không nung là xỉ than không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương mà thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mặc dù tỉnh rất muốn có nhà đầu tư xây nhà máy sử dụng xỉ than, góp phần giảm ô nhiễm môi trương tại địa phương.
"Nếu nhà đầu tư thỏa thuận với chủ đầu tư nhiệt điện thành công thì tỉnh sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Bởi đây là loại hình sản xuất đặc thù nên tỉnh Bình Thuận sẽ xác định vị trí thuận lợi cho nhà đầu tư xây nhà máy sản xuất gạch không nung, có thể bên trong hoặc ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh," ông Phương nói.
Cũng trong chiều nay, đại diện bảy doanh nghiệp và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận ký kết thỏa thuận đầu tư bảy dự án khác tại Bình Thuận; trong số này có một số dự án lớn như dự án Trung tâm thương mại Vincom tại Thành phố Phan Thiết, Nhà máy Phong điện Hòa Thắng 1, Nhà máy điện mặt trời tại Tuy Phong, Nhà máy chế biến sữa và trại chăn nuôi bò sữa huyện Bắc Bình, Siêu thị Coopmart La Gi ...