19/04/2011 2:56 AM
Tỉnh Bình Thuận giải trình cho Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ hàng loạt dự án khi giao không qua đấu giá, đấu thầu và đề nghị xem lại mức độ sai phạm.

Ngày 14-4, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã gửi văn bản đến Thủ tướng và tổng Thanh tra Chính phủ giải trình về các sai phạm về đất đai mà Thanh tra Chính phủ đã gửi kết luận cho tỉnh ngày 21-2. Theo đó, tỉnh lý giải nguyên nhân vì sao khi giao đất cho tổ chức, cá nhân lại không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; không đấu thầu một số dự án…

Tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Thủ tướng, tổng Thanh tra Chính phủ bố trí cho tỉnh giải trình trực tiếp về các nội dung trong kết luận thanh tra.

Không đấu giá vì không phải đất sạch

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 21-2, Thanh tra Chính phủ đã gửi kết luận đến tỉnh Bình Thuận, chỉ rõ các sai phạm về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và một số dự án trên địa bàn. Cụ thể, Thanh tra kết luận: UBND tỉnh Bình Thuận và các ngành chức năng của tỉnh đã bộc lộ nhiều sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất… làm thiệt hại gần 80 tỉ đồng và hơn 380.000 USD. Qua thanh tra có 35 dự án giao đất công nhưng không qua đấu giá gây thất thu lớn cho ngân sách. Các dự án BOT đều có sai sót và có tới 23 dự án sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã sang nhượng…

Giải trình cho Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ việc giao gần 2.000 ha đất công (chiếm 65% diện tích đất giao cho các dự án không qua đấu giá), tỉnh Bình Thuận cho rằng trong số đất công trên có đất của người dân đang sử dụng nằm xen kẽ trong đó nên rất khó thực hiện việc đấu giá đất công.


Sân golf Phan Thiết, nơi tỉnh cho rằng Thanh tra Chính phủ tính tiền truy thu chưa đúng. Ảnh: PN

Cụ thể, 20.000 m2 “đất vàng” ở TP Phan Thiết trong dự án Khu du lịch Đồi Dương-Thương Chánh, tỉnh lý giải: Khi giao đất dự án này cho Công ty TNHH Quản Trung, tỉnh không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất vì khi giao dự án vẫn còn 11 hộ dân chưa giải tỏa đền bù. Vì thế không thể xem là đất sạch nên không đủ điều kiện tổ chức đấu giá được. Tỉnh đề nghị tổng Thanh tra Chính phủ xem xét lại kết luận khi cho rằng “phần lớn diện tích đất trong dự án này là đất sạch”.

Tiền nợ chứ không phải tiền sai phạm

Với 63 căn biệt thự xây dựng trên đất chưa chuyển mục đích tại sân golf Sea Links của Công ty Cổ phần Rạng Đông, tỉnh lý giải: Khi thực hiện dự án, công ty gặp khó khăn về tài chính nên xin rút hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, tạm dừng việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nên các sở, ngành của tỉnh chưa xác định số tiền sử dụng đất phải nộp. Vì thế, phải xem khoản tiền gần 17 tỉ đồng là khoản nợ của công ty chứ không phải tiền sai phạm.

Tỉnh cũng giải trình về hai dự án BOT cầu Phú Hài, Phan Thiết và Cảng cá La Gi không đấu thầu, không công bố công khai.

Với Cảng La Gi, theo tỉnh, lúc đó chỉ có duy nhất nhà đầu tư (Công ty Địa ốc V.S.G) đăng ký thực hiện nên tỉnh đã đồng ý chủ trương mà chưa xem xét đến các yếu tố liên quan khác. Riêng khu xử lý nước thải hơn 3 tỉ đồng trong dự án, từ đầu đã xác định hạng mục này do nhà đầu tư BOT thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có phát sinh thay đổi nên tỉnh đã đưa hạng mục trên ra khỏi dự án BOT và thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách. Chính vì các lý do trên mà hạng mục không thể tiến hành theo trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định được.

Dự án BOT cầu Phú Hài, tỉnh lý giải: Trước lúc giao dự án, cầu cũ nhỏ, hẹp, xuống cấp trong khi ngân sách tỉnh khó khăn nên khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tháng 5-2002), UBND tỉnh đã chủ trương giao dự án BOT này nhằm sớm khai thác tuyến giao thông Phan Thiết-Mũi Né nên không tổ chức đấu thầu.

Về số tiền sai phạm mà Thanh tra kết luận là gần 80 tỉ đồng và hơn 380.000 USD, tỉnh cho rằng con số này là chưa đúng. Bởi lẽ số tiền gần 30 tỉ đồng chủ đầu tư Sun Resort Vina chuyển cho các cơ quan chức năng là tiền đền bù cho dân chứ không phải khoản thu ngân sách, không thể xem là số tiền sai phạm. Nếu trừ khoản này, số tiền phải truy thu cho ngân sách chỉ hơn 50 tỉ chứ không phải 80 tỉ đồng như trong kết luận. Cạnh đó, hơn 380.000 USD tiền thuê đất ở sân golf Phan Thiết mà Thanh tra đề nghị truy thu cũng chưa phù hợp vì chưa trừ số tiền được miễn, giảm theo chính sách ưu đãi đầu tư trong ba năm (2001-2003) là hơn 230.000 USD…

Công ty Hợp Long không chuyển nhượng dự án

Một số công ty đã nộp tiền.

Với dự án khai thác titan tại Hàm Thuận Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại Hợp Long (đăng ký kinh doanh tại TP.HCM) được chuyển cho Công ty Cổ phân Đầu tư và khoáng sản-thương mại Bình Thuận không phải là chuyển nhượng dự án. Theo tỉnh, năm 2007, tỉnh chấp thuận đầu tư, một năm sau Hợp Long cử thành viên thành lập Công ty Cổ phân Đầu tư và khoáng sản-thương mại Bình Thuận (công ty con) và tỉnh đã đồng ý. Đến tháng 2-2009, Bộ TN&MT cũng đã cấp giấy phép cho công ty con khai thác khoáng sản.

Tương tự, có ba dự án lúc đầu pháp nhân ngoài tỉnh đầu tư sau đó thành lập pháp nhân mới tại tỉnh Bình Thuận để kêu gọi đối tác; năm dự án bị thu hồi vì nhiều lý do, sau đó nhà đầu tư khác vào chứ không phải bán dự án.

Tháng 5-2010, Thanh tra Chính phủ làm việc với Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn-Hàm Tân vì công ty này chiếm dụng hơn 2,5 tỉ đồng tiền thuê đất. Ba tháng sau, công ty này đã nộp hơn 3 tỉ đồng (cả lãi) cho Bình Thuận.

Cafeland.vn - Theo Phapluattp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland