Lấy lý do trong bản dự thảo về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án KĐT-DV-CN ĐP có ghi đất của bà con trong khu vực là đất lâm phần, hiện thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé, vì vậy bà con chỉ nhận được tiền hỗ trợ đền bù chứ không được áp giá đền bù theo Luật đất đai mới. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít hộ dân có phần đất nằm trong dự án đã được chính quyền cấp sổ đỏ, nhiều hộ khác đang nằm trong danh sách chờ cấp sổ đỏ, một số phần đất khác còn thực hiện giao dịch mua bán, sang nhượng. Nếu như xác nhận phần đất trên do bà con lấn chiếm, vì sao lại được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ và thực hiện nhiều giao dịch trong thời gian qua?
Đất của người dân canh tác hàng chục năm vẫn bị coi là đất lấn chiếm
Dạo một vòng huyện Đồng Phú, chúng tôi thấy khu vực này đã hình thành nhiều cụm dân cư, có trường học, nhà văn hóa... phục vụ dân trí. Các loại cây trồng đang trong thời kỳ khai thác và mang lại hiệu quả tốt. “Chúng tôi đã bám trụ mảnh đất này biết bao nhiêu năm mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Giờ xây dự án, giá đền bù chỉ hỗ trợ từ 10 - 35% giá trị đất, chẳng khác nào bắt chúng tôi quay về vạch xuất phát ban đầu, chúng tôi không thể chấp nhận được”, ông Hồ Quốc Hưng (ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng) bức xúc. Ông Lê Văn Biên (ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng) cho biết: “Gia đình tôi có sổ đỏ nhiều năm qua. Việc lấy đất bồi thường với giá quá thấp như vậy chúng tôi không thể chấp nhận. Tiền bồi thường quá ít chúng tôi cũng không thể đi đâu mua đất, canh tác làm ăn nữa”.
Như Báo Công an thành phố đã đưa tin, trước đó UBND tỉnh Bình Phước tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để đưa ra dự án KĐT-DV-CN ĐP là 14.531ha, thuộc địa bàn năm xã của huyện Đồng Phú là Tân Lập, Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Hưng và Tân Phước. Trong tổng số 14.531ha của dự án, UBND tỉnh dự kiến quy hoạch khoảng 5.000ha đến 6.000ha làm khu tái định canh, định cư cho nhân dân; 3.000ha đến 4.000ha xây dựng cơ sở hạ tầng; còn lại 5.000ha đến 6.000ha quy hoạch thực hiện Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp. Tuy là buổi đối thoại công khai, nhưng chỉ có một số ít người dân được tham gia, báo chí cũng bị “cấm cửa”, gây bất bình trong dư luận.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - tổ chức họp báo công khai thông tin về các chủ trương, chính sách của tỉnh về dự án KĐT-DV-CN ĐP. Ông Trăm khẳng định đây mới chỉ là chính sách dự thảo, chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và cơ quan thẩm quyền chưa phê duyệt. Dự thảo này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã và tại các điểm sinh hoạt dân cư nơi có đất bị thu hồi. Việc thực hiện dự án còn kéo dài, có những nơi 10 năm nữa vẫn chưa khai thác tới, nên người dân vẫn sản xuất bình thường. Khi thực hiện dự án, trước hết sẽ sử dụng quỹ đất của Công ty Cao su Bình Phước, khi làm được rồi thì mới tiếp tục thương lượng bồi thường cho người dân.
Khi dự án KĐT-DV-CN ĐP còn một thời gian chuẩn bị khá dài để bắt tay vào thực hiện, người dân mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để đảm bảo đầy đủ quyền lợi trên mảnh đất họ đã sinh sống lâu dài.