Bước phát triển nhảy vọt của Bình Phước
Tổng kết năm 2020, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước có nhiều dấu ấn tích cực với những con số “biết nói” về tình hình phát triển của địa phương. Cụ thể, 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%; sản xuất công nghiệp tăng 12,5%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,3% so với năm 2019.
Trước làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam, tỉnh Bình Phước được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Tính đến nay, toàn tỉnh thu hút được 297 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nếu như trước đây, người ta biết đến Bình Phước như một tỉnh thuần nông thì nay sự phát triển của công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao mang đến cho địa phương một dấu ấn sắc nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng thu hút đầu tư của Bình Phước tập trung vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Thay vì chỉ tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực dệt may, da giày thì tại nhiều địa phương các chuỗi sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chuyên sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại cùng hàng loạt nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử đang được khẩn trương hoàn thiện đi vào hoạt động.
Đề xuất mở rộng quy hoạch, chủ động đón sóng đầu tư
Tại “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược năm 2030 tầm nhìn 2050, kế hoạch và chương trình hành động giai đoạn 2020-2025”, nhóm các chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Hoàng Văn Thắng, Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng Bình Phước đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Với vị trí thuận lợi và việc tạo dựng được những uy tín trong phòng chống dịch, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong xu hướng dịch chuyển này. Do vậy, đây đang là một cơ hội đối với Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước, một số khu công nghiệp trên địa bàn cơ bản đã hết diện tích trong điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc mở rộng quy hoạch là vô cùng cần thiết để chủ động đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp FDI.
Bình Phước hiện có 14 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng diện tích 4.679 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài. Đứng trước các cơ hội thu hút đầu tư, chính quyền đã chủ động đề xuất quy hoạch 70.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng ba khu công nghiệp. Theo đó, trong số diện tích đất quy hoạch trên có 40.000 ha đất trồng cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam và 30.000 ha đất trồng cao su của tỉnh.
Bản đồ quy hoạch 35 cụm Khu công nghiệp trên địa bàn toàn Tỉnh Bình Phước
Song song, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng diện tích 3 KCN thêm 2.500 ha, trong đó 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú thêm 1.500 ha, KCN Minh Hưng - Sikico thêm 1.000 ha.
Đầu năm 2020, Tập đoàn Becamex IDC - doanh nghiệp góp công lớn vào việc thay đổi diện mạo tỉnh Bình Dương tiếp tục ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Bình Phước về việc triển khai dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ lớn nhất Đông Nam Á rộng 6.300 ha tại huyện Đồng Phú.
Tập đoàn Becamex IDC được giới đầu tư BĐS Công nghiệp đánh giá cao trong chất lượng các công trình trước đó. Các dự án do Becamex xây dựng bao gồm hạ tầng công nghiệp đi kèm với “hạ tầng mềm” gồm đường xá, nhà ở, dịch vụ giải trí phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và lực lượng lao động di cư từ nơi khác đến.
Cùng với quy hoạch về hạ tầng công nghiệp, chính quyền Bình Phước cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bao gồm: tuyến Bình Phước - Tân Vạn qua cảng biển Thị Vải - Cái Mép và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; đường cao tốc TP. HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông; đường sắt Dĩ An - Hoa Lư; Quốc lộ 14C kết nối Ðắk Nông - Bình Phước - Tây Ninh - Long An và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (cao tốc Hồ Chí Minh) dài khoảng 212km; tái lập cầu Mã Đà nối liền giao thông giữa Bình Phước và Tây Nguyên...
Các chuyên gia nhận định, Bình Phước đang có các yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hòa để làm nền tảng cho sự phát triển trong một vài thập niên tới. Chúng ta có quyền hy vọng vào việc những địa phương như Đồng Phú, Chơn Thành có thể trở thành những Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) thứ hai trong vài năm tới.
-
Bình Phước khánh thành nhà máy sản xuất lốp xe 500 triệu USD
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 43 ha thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, công suất sản xuất 14,4 triệu lốp xe mỗi năm.
-
Bình Phước sắp động thổ cao tốc dài gần 55km
Ngày 14/12 tới đây, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước tỉnh Bình Phước sẽ động thổ. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên tỉnh này thực hiện.
-
Hàng nghìn người lao động tại Bình Phước đón tin vui
Ngày 14/12 tới đây, tỉnh Bình Phước sẽ khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico với tổng vốn đầu tư gần 12.700 tỷ đồng. Đây cũng là dự án FDI lớn nhất từ trước tới nay tại tỉnh Bình Phước....