23/08/2013 8:08 AM
Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, tại xã Bình Hưng - điểm nóng về tình trạng nhà xây không phép của huyện Bình Chánh - chỉ có 64 trường hợp xây dựng trái phép được cho là vào thời điểm từ đầu tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, qua thực tế, PV Báo SGGP đã phát hiện hàng ngàn căn nhà không phép, trong đó có những dãy phố không phép và những con hẻm với nhiều căn biệt thự đồ sộ xây dựng trái phép trên những thửa đất đã có quyết định thu hồi để thực hiện các dự án phát triển của TP.

Những căn nhà “3 chung” (chung giấy chứng nhận QSDĐ, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà) thực chất là biến tướng nhà không phép tại ấp 6, xã Đông Thạnh (Hóc Môn). Ảnh: HOÀI NAM

Phố không phép

Trong vai người có nhu cầu đi tìm mua nhà giá rẻ để ở, chiều 7-8, chúng tôi đến xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Rẽ vào một con hẻm trên đường Phạm Hùng thuộc ấp 4A, đi sâu khoảng gần 200m tới đường Cao Lỗ. Dọc tuyến đường này, chúng tôi phát hiện cả dãy nhà phố gồm 2 mặt tiền, mặt đối diện với khu biệt thự Him Lam có vài chục căn hộ đã được xây kiên cố thành dãy phố khang trang. Mặt bên kia là dãy nhà cấp 4 được chia thành những kiốt buôn bán nhộn nhịp. Tìm hiểu từ người dân cư ngụ tại dãy nhà này, chúng tôi được biết toàn bộ hơn 70 căn ở đây đều được mua bán giấy tay rồi tự do cơi nới, nâng tầng, mở rộng mặt bằng mà không cần xin phép xây dựng. Đáng nói là hoạt động mời chào mua bán nhà không phép tại đây diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Anh Hưng, chủ một căn nhà khoe với chúng tôi: “Nhà này tôi mua của bà Trang “Hương Dừa” ở quận 5, diện tích 3,6 x 8m với giá 550 triệu đồng. Cả dãy phố này đều mua của bà Trang bằng giấy tờ tay”.

Hơn 70 căn nhà tại một “phố không phép” ở ấp 4A, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Ảnh: HOÀI NAM

Anh Hưng cũng cho biết thêm, ở đây chẳng ai được gặp mặt Trang. Mọi giao dịch đều thông qua “cò” của bà ấy dưới danh nghĩa nhân viên công ty bất động sản. Chỉ tay sang căn nhà bên cạnh, anh Hưng cho biết căn nhà này, bà Trang vừa bán, người mua mới đặt cọc hôm qua. Nghe tiếng chúng tôi trao đổi việc mua bán nhà, một phụ nữ nhà bên cạnh mở cửa ra, nói chen vào: “Cả dãy phố này đều là nhà không phép, nhiều người đến đây mua bán bình thường, cũng giống như những căn nhà xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A thôi”.

Cách nhà anh Hưng không xa là căn nhà của một gia đình người Hoa vừa dọn về ở cách nay hơn 2 tháng. Ông Minh, chủ nhà nhiệt tình khoe với chúng tôi mua được căn nhà giá 700 triệu đồng khá rẻ, vì có căn cạnh bên mới hôm qua nghe nói bán được tới 1 tỷ đồng. “Thế giấy tờ có hợp pháp không?”, chúng tôi hỏi. Ông Minh liền lấy ra một xấp giấy tờ được bọc cẩn thận đưa chúng tôi xem sổ đỏ khu đất nông nghiệp có diện tích 6.616m² do bà Trần Thị Minh Trang, sinh năm 1972, ngụ phường 7 quận 5 đứng tên, giấy thỏa thuận mua bán nhà, vi bằng xác lập việc mua bán… Ông Minh bảo: “Cả khu này có nhà tôi là giấy tờ đủ nhất”. Thế nhưng, xem qua cả xấp giấy tờ nhà ông Minh, chúng tôi thấy chỉ có tờ vi bằng là bản chính có chữ ký, đóng dấu của một văn phòng thừa phát lại, còn lại là bản photocopy và chẳng có giấy nào là có giá trị về pháp lý. Đón lấy xấp giấy tờ chúng tôi gửi lại, ông Minh cười có vẻ hài lòng: “Vậy là đủ rồi, yên tâm ở chẳng lo gì hết”.

Nhiều căn nhà xây dựng không phép nằm đối diện Ban nhân dân ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn), nhưng cán bộ ở đây nói “không biết”!

Biệt thự cũng không phép

Xã Bình Hưng nằm bao bọc bởi hai trục đường Phạm Hùng và quốc lộ 50, cắt ngang là đường Nguyễn Văn Linh. Hẻm C.7 và C.7B thuộc ấp 4A đường Phạm Hùng từ lâu được ví như “khu nhà đại gia” với hàng chục căn biệt thự khang trang có vườn cây rộng mát, nhiều căn được thiết kế hồ bơi, garage ô tô, sân thể thao… Từ ngoài đường Phạm Hùng đi sâu vào các con hẻm phía trong, nhiều đoạn rộng chỉ hơn 4m, lầy lội. Chen lẫn những khu nhà cấp 4 là những căn biệt thự mới xây ngói đỏ tươi. Chị Hồng, nhà ở đầu hẻm C.7 nói: “Cứ nhìn những căn biệt thự là biết chủ nhân của nó giàu có đến mức nào. Cả khu này đều nằm trong quy hoạch của Khu đô thị Nam Sài Gòn, TP đã có quyết định thu hồi đất hơn 10 năm nay rồi. Tất cả đều là đất nông nghiệp nhưng nhà to, đẹp cứ mọc lên ầm ầm đâu thấy có ai nói gì…”.

Một căn biệt thự tại phố biệt thự không phép ở hẻm 7C ấp 4A xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Ngoài những “khu nhà đại gia” mọc lên ở các con hẻm tại ấp 4A, người dân còn dẫn chúng tôi đến thực địa cũng trong khu vực này một dãy nhà sang trọng thuộc Nhà hàng ẩm thực, tiệc cưới Bình Xuyên. Theo phản ánh, toàn bộ khu nhà hàng này tọa lạc trên khu đất nông nghiệp rộng hơn 3ha, được xây dựng từ khá lâu với khu đa chức năng gồm: Du lịch sinh thái, nhà hàng ẩm thực, khu tiệc cưới, khu vui chơi giải trí… Buổi tối cuối tuần hoặc những ngày lễ tết, có ngày cả ngàn khách đến đây vui chơi, giải trí, ăn uống nhộn nhịp. Người dân địa phương cho biết, khu nhà hàng tiệc cưới ẩm thực này xây dựng không phép, chính quyền địa phương đều biết, nhưng chẳng thấy xử lý gì.

Trao đổi với chúng tôi về những khu nhà không phép trên địa bàn, lãnh đạo UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thừa nhận: “Xã “bó tay” với tình trạng nhà xây không phép nhiều năm nay. Địa bàn quá rộng nên quản lý không xuể. Mỗi năm nhà xây không phép mọc lên đến chóng mặt, chỉ hơn 1 năm trở lại đây, ước tăng cả ngàn căn. Hiện cả xã có hơn 13.000 căn nhà, trong đó chỉ vào khoảng 20% là nhà có phép và nhà đã được cấp giấy chứng nhận nhà đất…”. Để xác nhận thông tin này, một cán bộ địa chính xã lật sổ ra nhẩm tính mỗi tháng chỉ có khoảng 30 trường hợp được cấp giấy chứng nhận nhà đất, phần lớn còn lại không cấp được vì vướng quy hoạch. “Vậy cả xã hiện có bao nhiêu căn nhà xây dựng không phép?”. Vị lãnh đạo UBND xã Bình Hưng nói ngay: “Khoảng hơn 10.000 căn. Đa số nhà là tự xây, tự chỉnh trang nâng cấp, mở rộng diện tích, xã không thể nắm hết được vì địa bàn rộng quá (!?)”.

Vân Anh - Hoài Nam (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.