Bộ Xây dựng dự thảo thông tư: Muốn dùng căn hộ chung cư làm văn phòng thì phải có sự đồng ý của 2/3 số hộ dân trong block chung cư.

Sau một thời gian kiên quyết yêu cầu chung cư chỉ được dùng để ở, không được làm văn phòng, quan điểm của Bộ Xây dựng có vẻ nới rộng hơn. Dự thảo thông tư về quản lý, sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng của Bộ này vừa đề xuất: Căn hộ chung cư có thể được mở làm văn phòng, khi thỏa mãn các điều kiện kèm theo.

Hợp lý nhưng phải trừ tầng trệt

Theo dự thảo thông tư này, căn hộ chung cư sử dụng vào văn phòng phải đáp ứng bốn điều kiện. Trong đó, quan trọng nhất là diện tích sử dụng bình quân phải bằng hoặc lớn hơn 8 m2/người và phải được các chủ sở hữu, sử dụng cùng tầng cũng như 2/3 số hộ dân trong block chung cư ký tên đồng ý vào văn bản cam kết do người đại diện văn phòng lập. Người đại diện văn phòng có thể tự mình đề nghị các chủ sở hữu, sử dụng chung cư có ý kiến hoặc đề nghị ban quản trị, chủ đầu tư chung cư tổ chức cuộc họp để xin ý kiến các hộ về việc mở văn phòng.

“Cách làm này tốt hơn so với việc cấm hẳn hoặc mở cửa hẳn” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét. Ông Đực giải thích: Nguyên tắc đầu tiên của chung cư là phải để ở, còn việc tận dụng chung cư để mở công ty, văn phòng chỉ là biện pháp tình thế trong một số trường hợp, chẳng hạn do tiết kiệm chi phí hoặc sử dụng kết hợp nhà ở và văn phòng có ít nhân viên. Ông Đực còn đề xuất: Ngoài quy định diện tích bình quân 8 m2/người như dự thảo đã nêu, cần bổ sung số người tối đa đến làm việc. “Nếu không có quy định này, người ta mua căn pen-house (căn ở tầng trên cùng, thường có diện tích chiếm cả tầng hoặc phần lớn của tầng lầu) chừng vài trăm mét vuông rồi kéo 30 nhân viên tới làm việc thì sao?” - ông Đực lưu ý.

Biến căn hộ thành văn phòng: phải xin phép hàng xóm?

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, căn hộ chung cư có thể được mở làm văn phòng khi thỏa các điều kiện kèm theo. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, ông Đực cho rằng cần phải phân biệt tầng trệt - vốn dành làm thương mại với các tầng để ở bên trên. “Nếu là tầng trệt thì lẽ ra không cần phải hỏi ý kiến ai, muốn mở gì thì mở, miễn là dịch vụ thương mại chứ không phải sản xuất kinh doanh”. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển căn hộ Nam Long, ông Lê Huỳnh Cương Nghị, đồng tình tầng trệt là ngoại lệ.

Quy định “trăm điều khó”

Tổng Giám đốc Công ty Phú Hưng Gia, bà Lê Thúy Hương, cũng đồng ý các điều kiện hạn chế việc sử dụng căn hộ chung cư thành văn phòng như dự thảo. Tuy nhiên, theo bà Hương, việc đặt điều kiện phải lấy ý kiến đồng ý của tất cả hộ cùng tầng và 2/3 hộ trong block là “trăm điều khó” cho người muốn mở văn phòng. Tổng Giám đốc Công ty Nam Long, ông Lê Huỳnh Cương Nghị, cũng cho rằng điều kiện này gần như không thể khả thi. “Nếu cấm thì cấm hẳn, cho thì cho luôn. Cho phép mà bảo đại diện văn phòng phải xin ý kiến các hộ dân để mở văn phòng thì không ai đồng ý đâu” - ông Nghị nói. “Việc đề nghị ban quản trị chung cư tổ chức cuộc họp với các hộ dân để xin ý kiến lại càng không thể. Họp để bầu ban quản trị chung cư hoặc đại hội chung cư một năm hai lần mà nhiều khi còn phải hoãn do không đủ số lượng. Lại nữa, không lẽ cứ mỗi lần có ai đó xin mở văn phòng thì lại mở cuộc họp?” - đại diện một công ty quản lý cao ốc có ý kiến.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, ông Lê Chí Hiếu thì cho rằng: Bộ Xây dựng không nên du di cho chung cư thành văn phòng, với điều kiện trong thiết kế tòa nhà chung cư đã phân tách rõ, khu vực nào, tầng nào được ở hay được phép kinh doanh thương mại dịch vụ. “Việc cho phép mở văn phòng nhưng kèm điều kiện quá khó như dự thảo thì chẳng khác nào một quy định nửa mùa” - ông Hiếu nhận định.

UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:

Không phù hợp Luật Doanh nghiệp

Đề xuất của Bộ Xây dựng nếu xét về mặt thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh là không phù hợp Luật Doanh nghiệp. Khi đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp không yêu cầu chủ cơ sở (đại diện văn phòng) phải đi xin ý kiến các hộ lân cận hay nộp bản cam kết như trong dự thảo của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, xét về thực tiễn thì đề xuất của Bộ Xây dựng là phù hợp. Chung cư có mục đích sử dụng là để ở, việc thay đổi công năng một cách tùy tiện sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng người dân trong tòa nhà này. Do đó, Bộ Xây dựng đặt ra các điều kiện khi muốn sử dụng căn hộ làm văn phòng là cần thiết. Nên nhớ, thủ tục hành chính không phải là không được đặt ra thêm mà quan trọng là có cần thiết trong thực tiễn hay không.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc đồng bộ và khả thi thì cần nghiên cứu bổ sung các quy định trên vào nghị định chi tiết việc đăng ký kinh doanh chứ không thể chỉ bằng hình thức thông tư của Bộ Xây dựng mà đem áp dụng cho việc đăng ký kinh doanh được.

Điều kiện được sử dụng căn hộ nhà chung cư làm văn phòng

- Người đại diện văn phòng phải là chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp căn hộ nhà chung cư;

- Diện tích sử dụng bình quân phải đảm bảo bằng hoặc lớn hơn 8 m2/người;

- Hoạt động của văn phòng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vận hành nhà chung cư và không vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan;

- Việc sử dụng căn hộ làm văn phòng phải có sự đồng ý (ký tên) của các chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà của đơn nguyên có căn hộ đó và ít nhất là 2/3 tổng số các chủ sở hữu, người sử dụng trong đơn nguyên có căn hộ đó.

(Trích dự thảo thông tư)

Theo Cẩm Tú (Phapluattp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0