22/06/2014 9:21 PM
Gia đình tôi và nhiều hộ gia đình khác bị di dời trong dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ năm 2001.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (người dân sống tại số nhà 135/17/72 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc vì hơn 10 năm nay nhà ông không được cấp giấy chủ quyền nhà, đất - Ảnh: Hữu Khoa

Cũng trong năm này, chúng tôi được UBND quận Bình Thạnh bố trí tái định cư bằng nền đất tại dự án khu A-B-C phường 22, quận Bình Thạnh do Công ty Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư. Theo tính toán của chủ đầu tư và UBND quận, người dân bị di dời phải mua đất tái định cư với giá 1,1 triệu đồng/m2. Người dân đã xây nhà trên khu tái định cư mới và ở ổn định từ đó đến nay. Chúng tôi nhiều lần đề nghị UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho người dân nhưng không được đáp ứng.

Năm 2011, UBND quận Bình Thạnh ban hành kế hoạch cấp giấy chủ quyền cho các hộ dân tái định cư tại dự án khu A-B-C. Nhưng trong kế hoạch này, UBND quận chia 205 hộ dân đã được bố trí tái định cư tại dự án thành ba nhóm: A, B và C.

Theo đó, nhóm A là những hộ gia đình có diện tích đất giải tỏa đủ tiêu chuẩn tái định cư bằng nền đất và được bố trí đúng tiêu chuẩn, đúng diện tích; nhóm B là những hộ gia đình phải di dời đủ tiêu chuẩn tái định cư bằng nền đất nhưng được bố trí vượt tiêu chuẩn diện tích quy định; nhóm C là những hộ gia đình không đủ tiêu chuẩn bố trí tái định cư bằng nền đất (chỉ có tiêu chuẩn bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư).

Theo UBND quận Bình Thạnh, căn cứ để phân nhóm như trên dựa vào chỉ đạo của chủ tịch UBND TP và kết quả thanh tra của thanh tra quận Bình Thạnh. Kế hoạch cũng yêu cầu các hộ gia đình tái định cư nhóm B và C phải đóng tiền sử dụng đất với giá 8,3 triệu đồng/m2 đất vượt tiêu chuẩn hoặc cấp sai.

Có 145 hộ thuộc nhóm B và C phải đóng tiền sử dụng đất, một số hộ phải đóng trên 500 triệu đồng cho hai nền đất tái định cư.

Các hộ gia đình không đồng ý đóng tiền sử dụng đất và khiếu nại đến cơ quan chức năng tại TP.HCM. Chúng tôi phải di dời nhà ở, giao phần đất của mình cho Nhà nước mở đường, khi được tái định cư chúng tôi phải mua đất theo bảng giá đất 05 năm 1995 của UBND TP và đã đóng tiền đầy đủ. Nay tại sao buộc chúng tôi phải đóng thêm tiền mới cấp giấy chủ quyền nhà, đất?

Năm 2012, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP, tiếp chúng tôi hứa sẽ nhanh chóng cấp giấy chủ quyền cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau khi ông Tín và các sở ngành chỉ đạo xong thì UBND quận tiếp tục không chịu cấp giấy chủ quyền cho dân.

Đến năm 2013, UBND TP tiếp tục có công văn chỉ đạo chỉ thu gần 3 triệu đồng/m2 đất vượt tiêu chuẩn và cấp sai đối với các hộ dân thuộc nhóm B và C. Chúng tôi thấy rất vô lý, tại sao năm 2001 chính quyền đã thu hồi đất, đã có quyết định cấp đất tái định cư cho chúng tôi mà đến nay lại cho rằng quyết định trên sai và tính toán lại?

Gần đây, theo rà soát kê khai về việc cấp giấy chủ quyền nhà, đất của UBND phường, tôi thấy có nhiều hộ thuộc nhóm C trong danh sách đã được cấp giấy chủ quyền nhà, đất. Hỏi ra thì các hộ nói là đi làm qua dịch vụ. Vì sao làm dịch vụ thì được cấp giấy chủ quyền?

NGUYỄN VĂN HẠNH

(đại diện một số hộ dân tại dự án khu A-B-C P.22, Q.Bình Thạnh)

* Đại diện UBND quận Bình Thạnh:

UBND quận đã bố trí tái định cư sai

Năm 2001, Công ty Thanh niên xung phong bố trí tái định cư cho người dân bị di dời ở nhiều dự án khác nhau vào khu tái định cư A-B-C phường 22. Trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND quận đã giải quyết một số kiến nghị tăng diện tích đất tái định cư của dân nhằm thuyết phục người dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, sau đó có khiếu nại nên UBND TP chỉ đạo thanh tra việc bố trí tái định cư trong dự án khu A-B-C và một khu tái định cư khác của phường 22. Kết quả thanh tra cho thấy có một số hộ dân được bố trí tái định cư với diện tích đất vượt tiêu chuẩn, một số hộ dân chỉ có tiêu chuẩn tái định cư bằng căn hộ chung cư nhưng đã được bố trí bằng nền đất. Lúc này, đa số người dân được bố trí nền đất tại dự án A-B-C đã xây nhà nên không thể thu hồi phần đất đã cấp sai. Vì vậy, cơ quan chức năng phân 205 hộ dân tái định cư tại dự án khu A-B-C thành các nhóm A, B, C như người dân đã nói ở trên.

UBND TP đã chỉ đạo phải giải quyết vụ việc để đảm bảo công bằng cho tất cả các hộ dân và đã đồng ý với đề xuất thu tiền khi cấp giấy chủ quyền nhà, đất của các hộ dân thuộc nhóm B và C. Giá đất của khu tái định cư A-B-C ban đầu được tính là 8,3 triệu đồng/m2 (bằng 50% giá đất của đường Nguyễn Hữu Cảnh). Các hộ dân chỉ phải đóng tiền cho phần đất vượt chuẩn. Ngoài ra, dân còn được trả lại số tiền mua phần diện tích đất vượt chuẩn trên và tính theo lãi suất ngân hàng kể từ ngày đóng tiền đến nay. Giá tiền dân phải đóng thấp hơn nhiều lần so với giá đất thị trường. Nhiều người dân khiếu nại, không đóng tiền theo kế hoạch này.

Đến năm 2013, UBND TP có chỉ đạo chỉ thu tiền cơ sở hạ tầng cho phần đất vượt tiêu chuẩn của các hộ thuộc nhóm B và nhóm C với giá gần 3 triệu đồng/m2 đất, không thu tiền sử dụng đất. Hiện vẫn còn một số hộ dân không đồng ý đóng tiền để được cấp giấy chủ quyền. Việc cấp giấy chủ quyền không phân biệt các hộ thuộc nhóm A, B, hay C. Nếu các hộ dân đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì UBND quận giải quyết cấp giấy chủ quyền, điều này đúng chứ không sai.

D.N.HÀ ghi

Tuổi Trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.