Ngày 6-5, ông Ngô Khắc Thinh - Phó Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã lập hồ sơ đề nghị UBND TP Nha Trang xử phạt 30 triệu đồng đối với khu nghỉ mát (KNM) Ana Mandara về hành vi cấm người dân đi bộ và dựng chòi bảo vệ trái phép dọc bãi biển Nha Trang, đồng thời buộc KNM này dừng ngay hành vi vi phạm.
Không thể chấp nhận
Những ngày qua, người dân và du khách phản ánh họ bị đối xử bất công khi đi dạo qua bãi biển trước KNM Ana Mandara. Cụ thể, nhiều người qua khu vực này thì bị bảo vệ xua đuổi, buộc đi xuống sát mép biển, thậm chí cả khi trời nắng chang chang.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, du khách đến từ TP HCM, cho biết cả bãi biển đông nghịt người nhưng khu vực tại KNM Ana Mandara rất trống trải vì đã bị cát cứ. “Tôi đến đây ngồi hóng mát liền bị bảo vệ đuổi đi chỗ khác” - bà Tâm kể.
Theo ghi nhận của chúng tôi, KNM này thường xuyên cắm cờ, căng dây không cho người dân và du khách vào bãi biển dạo mát, tắm; cạnh đường đi còn có 1 chốt bảo vệ canh gác. Không chỉ ở KNM này, vào các buổi tối, quán bar Sailing Club làm sân khấu ngoài trời, khi người dân và du khách đi qua đây đều bị bảo vệ ngăn cản.
Sau khi nhận được phản ánh, UBND TP Nha Trang đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị vào cuộc xác minh. Ông Nguyễn Khắc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, khẳng định: “Việc làm của KNM Ana Mandara là sai trái. Không ai có quyền cấm người dân và du khách đi bộ trên bãi biển công cộng”.
Sở dĩ các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn có những hành động cát cứ là do lợi dụng việc UBND TP Nha Trang đã hợp đồng cho họ tổ chức đặt dù, ghế để kinh doanh trên bãi biển. Tuy nhiên, thời gian chỉ từ 6-18 giờ hằng ngày; các đơn vị không được cắm cọc, căng dây, che bạt, làm rào chắn hoặc cản trở việc đi lại của người dân và du khách. Nếu vi phạm, mức phạt thấp nhất là 12 triệu đồng.
Ông Thinh cho biết trước đây, ngoài quán bar Sailing Club, nhà hàng Louisiana Nha Trang và một số khách sạn đã đuổi người dân và du khách vào khu vực bãi biển, đường đi bộ nơi các đơn vị này kinh doanh. Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang nhắc nhở nhiều lần và các đơn vị khác đã khắc phục, riêng KNM Ana Mandara vẫn tái phạm. “Chúng tôi sẽ xem xét lại giấy phép hoạt động của doanh nghiệp này, nếu vi phạm nghiêm trọng thì chấm dứt hợp đồng” - ông Thinh khẳng định.
Trả giá vì sơ suất trong quy hoạch
Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận kéo dài hơn 10 km với trên 130 resort, trong đó khoảng 70% tọa lạc phía biển. Hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi khu du lịch này hình thành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đổ xô đến đây đầu tư. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, resort mọc lên như nấm.
Do khi chấp thuận cho nhà đầu tư thuê đất để kinh doanh du lịch, tỉnh Bình Thuận đã không tính đến quy hoạch các con đường ngang xuống bãi biển mà cấp phép cho các resort liền kề nhau. Do vậy, số đường ngang xuống bãi biển hơn 10 km dọc khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Trần Chí Thanh, một người dân ở Hàm Tiến, cho biết hầu hết doanh nghiệp đầu tư resort đều chọn vị trí đắc địa, nơi biển bằng phẳng, ít san hô để thu hút du khách. Vì vậy, một số bãi tắm công cộng còn lại ở khu vực này có rất nhiều đá tảng, đá cụi, không tiện cho bơi lội.
Theo chị Trương Tâm Đoan (ngụ phường Mũi Né), muốn có bãi tắm tốt phải đi bộ rất xa, kiếm đường ngang để xuống biển, nếu không thì băng qua các khu resort. “Mỗi lần đi tắt như vậy rất phiền phức vì phải xin phép bảo vệ các khu resort. Họ dễ dãi cho qua thì mình đỡ mệt, còn không thì phải đành chịu…” - chị Đoan nói.