Một phần Bến xe Hà Đông đã được quây rào để triển khai dự án khu hỗn hợp cao tầng Sông Đà. Ảnh: Trọng Đảng.
Chung cư thế chỗ
Do Bến xe Hà Đông quá tải và thường xuyên gây ùn tắc
trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông, năm 2008, TP Hà Nội chấp thuận
cho bến xe này chuyển ra ngoại thành (bến xe Yên Nghĩa ngày nay). Sau
đó, TP Hà Nội chấp thuận về chủ trương cho Cty CP Đầu tư xây dựng và
Phát triển đô thị Sông Đà (gọi tắt là Cty CP Đô thị Sông Đà - chủ đầu
tư) tiếp quản toàn bộ hơn 6.500m2 diện tích mặt bằng bến xe Hà Đông để lập dự án Khu hỗn hợp cao tầng đô thị Sông Đà với hai toà nhà 43 và 45 tầng.
Trong văn bản ký tháng 11-2009, UBND TP Hà Nội còn chấp thuận để Cty CP Đô thị Sông Đà thương lượng, tiến tới tiếp quản thêm hơn 3.400 m2 đất liền kề của Cty CP Xe khách Hà Tây để phát triển các hạng mục phụ trợ như cây xanh, bãi đỗ xe, sân vườn... trong giai đoạn 2.
Có mặt tại bến xe Hà Đông sáng qua, PV Tiền Phong ghi
nhận, toàn bộ diện tích bến xe đã được chủ đầu tư quây rào xung quanh,
riêng góc bên trái bến xe có dựng bảng sơ đồ quy hoạch dự án cùng nhiều
thiết bị thi công đã được tập kết.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bến xe Hà Nội, cho biết, hơn 6.500m2 diện tích bến xe Hà Đông đã được giao cho Cty CP Đô thị Sông Đà tiến
hành khoan thăm dò địa chất và làm một số thủ tục để hoàn thành thiết kế
thi công.
Tương tự, với diện tích trên 12.000m2, bến
xe Lương Yên cũng có chủ trương giải tỏa để xây các cao ốc. Chiều qua,
PV có mặt tại bến xe này và ghi nhận, cả bến xe Lương Yên giờ như một
đại công trường xây dựng. Phần lớn diện tích của bến xe bị quây tôn, bên
trong là những khối bê tông, xe ngổn ngang.
Các khu nhà chờ, bán vé cho hành khách đều co cụm về
một góc. Hai lối ra, vào của bến xe cũng được thu hẹp. Diện tích bến bị
thu hẹp đồng nghĩa với việc giảm các đầu xe và nhà xe phải rút ngắn
thời gian lưu đỗ trong bến. Tổng lượng xe ra vào bến mỗi ngày trước kia
là trên 700 lượt; nay chỉ còn hơn 200 lượt.
Nhiều người dân sống cạnh bến xe tỏ ra bất ngờ trước
thông tin bến xe chuyển đổi thành dự án nhà ở cao tầng. “Việc di dời bến
xe thì chúng tôi biết, nhưng không nghĩ nó sẽ trở thành khu nhà ở cao
tầng. Bởi vì ngay sát cạnh bến xe này, đã mọc lên hai khối toà chung cư
văn phòng cao 23 tầng lấp kín cả khu vực rồi”, ông Toàn, một người dân
phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng nói.
Xóa bến xe vì không còn phù hợp
Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội hiện có 11 bến xe khách liên tỉnh, nằm cạnh các đường vành đai, trục xuyên tâm của thành phố. Mở rộng hoặc di chuyển các bến xe ra ngoại thành để giảm áp lực giao thông cho nội đô là việc Sở GTVT sẽ thực hiện trong lộ trình phát triển các bến xe khách đến năm 2020.
Về việc bến xe Lương Yên đang có chủ trương giải toả, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng, việc bến xe bị giải tỏa để phát triển hạ tầng đô thị gây khó khăn cho vận tải hành khách Thủ đô. Theo ông Linh, ngoài các tuyến xe buýt, việc bố trí, điều chuyển các tuyến xe khách (khoảng 700 lượt xe/ngày) từ bến xe Lương Yên sang các bến xe khác đang gây nhiều khó khăn do các bến xe liên tỉnh đã quá tải.
Lý giải về chủ trương giải tỏa bến xe Lương Yên để xây cao ốc, ông Trần Ngọc Thiều, Giám đốc Cty Lương thực cấp I Lương Yên cho rằng, do hoạt động của bến xe không còn phù hợp với tình hình phát triển mới nên thời gian tới, mặt bằng tại bến xe Lương Yên sẽ được giải tỏa để xây nhà cao tầng.
Theo ông Thiều, việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất đồng nghĩa với toàn bộ bến xe Lương Yên sẽ giải thể. “Toàn bộ kế hoạch này đã được Cty báo cáo và được TP Hà Nội chấp thuận về chủ trương. Hiện một phần diện tích của bến xe đã được các đơn vị thi công đến khoanh vùng thực hiện dự án”, ông Thiều nói.