Trong 6 tháng đầu năm UBND thành phố và các sở, ban ngành ban hành tới trên 900 văn bản bổ sung chính sách, hướng dẫn, đôn đốc giải phóng mặt bằng (GPMB), cho thấy chính sách giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.

Bất cập trong đền bù thu hồi đất gây chậm tiến độ dự án

Đánh giá về nhiệm vụ triển khai công tác GPMB của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, ý kiến từ các quận, huyện đều cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả tốt nhưng chính sách GPMB của Thủ đô vẫn còn nhiều bất cập. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, trong 6 tháng đầu năm, thành phố thực hiện được một khối lượng khá lớn về GPMB với 131 dự án, diện tích 943 ha, chi trả hơn 8.316 tỷ đồng tiền bồi thường và bố trí tái định cư cho 650 hộ. T rong đó, thành phố bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư cho 359 hộ và bàn giao đất ở cho 291 hộ.

Dù nhiều dự án gặp vướng mắc do chuyển tiếp từ cơ chế chính sách của các địa phương trước khi hợp nhất về Hà Nội như các dự án: Khu đô thị Mỗ Lao, các khu đô thị Lê Trọng Tấn - Dương Nội - An Hưng, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn; hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây..., nhưng thành phố đã tập trung giải quyết có hiệu quả, không để phát sinh thành điểm nóng. Tuy nhiên, qua triển khai các dự án, phản ánh của các địa phương đã chỉ ra khá nhiều tồn tại trong các chính sách GPMB của thành phố, gây chậm tiến độ nhiều dự án. Đơn cử, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, UBND thành phố và các sở, ban, ngành đã ban hành tới hơn 900 văn bản bổ sung chính sách, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện GPMB, trung bình mỗi ngày ban hành 5 văn bản. Điều đó cho thấy, chính sách GPMB tại Hà Nội còn nhiều bất cập.

Trong quá trình thực hiện GPMB, nhiều cán bộ địa phương chưa nắm rõ quy định của Nghị định 69 nên lúng túng, dẫn đến việc triển khai một số dự án còn chậm. Quỹ nhà tái định cư của thành phố vẫn thiếu, tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung chưa đáp ứng yêu cầu; một số chủ đầu tư dự án BT, cải tạo chung cư cũ không chuẩn bị quỹ nhà, phải dựa vào quỹ nhà của thành phố. Một số đơn vị chưa cụ thể hoá vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia GPMB; đặc biệt có cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB ở cơ sở còn tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Từ thực tế triển khai, ô ng Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho rằng, Quyết định 108 về hỗ trợ, tái định cư GPMB của thành phố còn nhiều điểm không thực tế, thậm chí gây mất công bằng nên cần phải thay đổi. Theo Quyết định 108, gia đình nào có diện tích thu hồi dưới 40m2 (có thể là 5m2) được 40 m2 nhà tái tái định cư. Trong khi đó, có gia đình bị thu hồi 300m2 cũng chỉ được tái định cư 180 m2. Như vậy, người mất nhiều đất lại được hưởng ít, nếu chia tách nhỏ ra lại được hưởng nhiều. Ngoài ra, theo ông Thư, đất nông nghiệp công ích chỉ đền bù 201.000đ/1m2, còn nếu đất nông nghiệp giao theo NĐ 64 của Chính phủ cho hộ gia đình lại được hỗ trợ gấp 5 lần. Điều này cũng bất cập vì cùng là đất nông nghiệp nhưng giá đền bù lại khác nhau. Trong việc hỗ trợ ổn định đời sống, nếu hộ gia đình nào mất 30% đất nông nghiệp thì được hỗ trợ 6 tháng, mỗi tháng 30kg gạo, nếu mất 70% thì được hỗ trợ tới 12 tháng. Như vậy không công bằng, vì thực tế những hộ có 100m2 đất nông nghiệp, thu hồi 70m2 thì được hỗ trợ 30kg gạo trong 12 tháng. Nhưng có hộ có 500m2 mất 150m2 (gấp đôi hộ gia đình kia) thì lại được hỗ trợ ít hơn.”

Bên cạnh đó, theo ông Phan Tiến Bình, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, chất lượng nhà và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu tái định cư chưa tốt, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn cho chính quyền cơ sở. “Vừa rồi, quận có mấy chục hộ phải di dời, tái định cư tại Pháp Vân. Dân đồng thuận với chính quyền, hợp tác trong việc chuyển đến ở tại khu tái định cư cao 7 tầng, nhưng đến ở rồi thang máy vẫn chưa xong khiến sinh hoạt của dân rất khổ”, ông Bình dẫn chứng. Vì vậy, các địa phương kiến nghị thành phố cần bố trí nhà tái định cư cho địa phương trước khi thực hiện GPMB các dự án, đặc biệt là các dự án lớn. Như vậy sẽ dễ hơn cho địa phương trong việc thuyết phục người dân hợp tác, đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Để khắc phục những điểm yếu trên, đẩy nhanh việc bàn giao quỹ đất cho các dự án trọng điểm, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các sở, ngành của Hà Nội phải nhanh chóng nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách với phương châm tăng cường phân cấp, kiểm tra xử lý, giải quyết kịp thời các vướng mắc về GPMB, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Không để xảy ra dự án treo sau giải phóng mặt bằng và thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng khu đô thị tái định cư” đã được Thành phố phê duyệt, đảm bảo sớm có các khu tái định cư chất lượng cao, đồng bộ hạ tầng để người dân ổn định cuộc sống.

Theo Phan Long (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0