Đã 3 năm kể từ khi có quy định trên, nhưng các thành phố vẫn còn loay hoay chưa có ý tưởng cụ thể nào cho việc này.
Dù được mệnh danh là con đường "đắt giá nhất hành tinh" nhưng quy hoạch tuyến phố Xã Đàn, Hà Nội vẫn bộc lộ vô số sự manh mún, thiếu đồng bộ
Cần làm rõ mục đích khi thực hiện
Ông Vũ Tuấn Định, Phó giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc TP. Hà Nội cho biết: "Việc thu hồi 50 mét đất mỗi bên đường chỉ áp dụng các tuyến phố mới. Hiện nay TP chưa xây dựng kế hoạch để thực hiện việc này. Luật Quy hoạch đã quy định như vậy, triển khai thực hiện như thế nào mỗi địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai".
Đề xuất cho một sự đồng thuận "Việc thu hồi 50 mét đất hai bên tuyến đường đang được giao cho Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội nghiên cứu, tuy nhiên, với 50 mét đất mỗi bên đường nên được quy hoạch theo 2 lớp. Lớp ngoài cùng liền kề với trục đường giao thông được dùng vào mục đích thương mại, lớp trong là những khu chung cư để người dân có thể tái định cư ngay lại chỗ. Điều này sẽ giảm bớt gách nặng cho công tác đền bù, tái định cư và cũng sẽ nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân hơn". (Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn) |
Ngoài Luật Quy hoạch, được biết, tại Điều 5 Quyết định số 15 của UBND TP. Hà Nội quyết định về việc xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn TP.Hà Nội cũng chỉ rõ, sau ngày Quyết định này có hiệu lực (ngày 6/5/2011), khi lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, sẽ thu hồi 50 mét hai bên đường để xây dựng 2 tuyến phố theo quy hoạch.
Điều 38, Luật Đất đai (2003) có quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế.
Soi chiếu với Luật, quyết định, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt dấu hỏi cho việc thu hồi mỗi bên đường 50 mét đất khi xây dựng các tuyến đường mới sẽ được coi là thu hồi vì mục đích gì trong những mục đích nêu trên?
Người dân có nghĩa vụ đóng góp đất để phục vụ các dự án dân sinh, nhưng nếu là thu hồi về phía ngoài chỉ giới đường 50 mét lại là một chuyện khác. Lúc này, vấn đề quy hoạch phải nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Các cơ quan chức năng, các nhà quản lý cũng như quy hoạch đánh giá thực thi việc thu hồi mở rộng 50 mét mỗi bên đường là một việc không đơn giản.
Dù vậy, GS.Võ vẫn đánh giá rằng, đây là một cách làm tiến bộ nhưng vẫn chưa phải là một cơ chế đủ tốt. "Nếu thu hồi thêm 50 mét thì sẽ khắc phục được sự bất công bằng của người còn đất bên cạnh dự án với những người mất hẳn đất và những người có đất sau dự án. Điều này cũng sẽ khắc phục được tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo như hiện nay. Đây là hai mục tiêu chính của việc thu hồi rộng hơn nhưng về một mặt nào đó, có thể nói rằng người dân có quyền tồn tại cùng với đất của họ đang ở, nếu không sử dụng vào mục đích công cộng thì sử dụng vào mục đích gì? Đây là điều phải làm rõ, GS. Võ nói".
Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc thu hồi đất hai bên đường là nhằm mục đích xây dựng đường và tạo lập phố, tuy nhiên việc áp dụng này cần phải được tính toán rất cụ thể thì mới thực hiện được.
“Nếu chỉ là quyết định chung chung thì khó thực hiện và bằng chứng là Hà Nội đã có những con đường "đắt nhất hành tinh". Một mặt do vấp phải sự không đồng tình rất mạnh từ phía dân cư, mặt khác trong tổ chức thực hiện còn vướng mắc rất nhiều về cơ chế chính sách. Do vậy mà đến bây giờ việc thu hồi 50 mét mỗi bên đường vẫn chưa thể thực hiện được”, ông Hanh cho biết.
Dân trong diện di dời phải được hưởng lợi ích của dự án
Văn hóa cộng đồng là một đặc điểm căn cốt nhất của văn hóa Việt. Do vậy, người dân ở các khu dân cư bị ràng buộc bởi các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng, họ hàng, thói quen sống khiến hầu hết mọi người không muốn di chuyển đến một nơi ở mới. Người dân có quyền bảo vệ đất của mình, việc yêu cầu một bộ phận lớn dân cư di chuyển địa bàn sinh sống không phải đơn giản.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn (Ảnh: Tien Phong)
GS. Đặng Hùng Võ hiến kế, việc thu hồi đất phải tiến hành đồng thời với việc quy hoạch lại hai bên đường và trong khi quy hoạch hai bên đường, thì phải dành diện tích ở cho những người đã mất toàn bộ đất cho con đường ấy. Trước đây, nếu giá đất thấp thì có thể dành cho họ nhiều đất hơn, giờ đất đắt thì dành cho họ một diện tích nhỏ hơn. Khi lợi ích được chia sẻ sẽ tạo ra được sự đồng thuận của cả những người mất hết đất, người còn lại ít đất hay người còn lại nhiều đất. Đây là giải pháp mà các nước khác hay làm nhưng cách làm này sẽ tốn nhiều thời gian, vất vả hơn so với cách thức mà chúng ta vẫn đang làm là có sự can thiệp của một quyết định hành chính.
Ông Võ cũng cho rằng, khi thu hồi 50 mét đất hai bên đường thì người dân phải được đền bù theo giá thị trường và phải đạt được sự đồng thuận của họ. Đồng quan điểm với ông Võ, theo ông Hanh, cần phải tính toán việc tái định cư, tạm cư một cách hợp lý, những người dân sống trên diện tích dự án trước hết phải được hưởng lợi ích từ dự án. Sẽ không công bằng khi người dân này đang sinh sống ổn định lại phải chuyển đi để những người khác đến ở trong điều kiện khang trang hơn, đẹp đẽ hơn.
Ông Hanh nhận định: "Trong hơn chục năm nay, đã có rất nhiều chế tài để giải quyết việc này nhưng đều chưa đi được vào cuộc sống, nguyên nhân là do người thực thi, điều kiện thực thi và việc phối hợp thực thi không đảm bảo".
Nhà nước nên giao việc cho chủ đầu tư
Cơ sở pháp lý quan trọng nhất Tại Khoản 3, Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị (được Quốc hội thông qua năm 2009) quy định việc lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị phải bảo đảm các yêu cầu sau: - Phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến; - Khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường; nghiên cứu không gian kiến trúc, hình khối công trình, khoảng lùi của các công trình cụ thể, bảo đảm tăng cường tính chỉnh thể và tính đặc trưng của khu vực. |
TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc TP.HCM cho rằng: "Chúng ta đang gặp phải một bài toán luẩn quẩn là vấn đề tiền. Thu hồi thêm 50 mét thì lấy tiền ở đâu vì tiền đền bù sẽ đội lên gấp rất nhiều lần. TP.HCM vừa rút ra bài học là không dại gì "bỏ" đường vào các khu dân cư mà phải tìm cách khác để tạo đường mới và mở không gian ra, không nên mở rộng theo các tuyến đường cũ".
TS.Hòa cũng cho rằng, chúng ta không nên lo việc nhà siêu mỏng siêu méo nó xấu hay đẹp cảnh quan, điều này không quan trọng mà việc quan trọng là công năng sử dụng của những nhà siêu mỏng, siêu méo đó có tốt không. Hiện nay, mọi người cứ nói đến nhà siêu mỏng, siêu méo là nói đến việc ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị chứ không phải vì người dân sống trong nhà siêu mỏng ấy quá khổ. Do vậy, để giải quyết được vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, các nhà quy hoạch, nhà quản lý cần phải có cách nhìn thấu đáo hơn".
Vấn đề hiện nay là dùng tiền vốn ngân sách để làm đường là việc không làm nổi, cần phải có cơ chế để làm sao nhà đầu tư bỏ vốn ra là lấy quỹ đất đó phát triển. "Làm một con đường còn đuối sức, thì làm sao có tiền để làm mở rộng ra 50 mét".