Ngoài hàng ngàn tấn cát đổ xuống khu dân cư, 5.000 lít dầu diesel còn đổ xuống ruộng của một số hộ dân gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngày 10-9, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan chức năng đã khẩn cấp có mặt tại thôn Văn Kê (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) sau khi các hộ dân tại đây kêu cứu khẩn cấp vì hàng ngàn tấn cát bất ngờ đổ ập xuống khu dân cư, tràn vào nhà dân, gây hư hại hoa màu.


Chạy cát như chạy giặc


Tại hiện trường, gần 200 trụ thanh long của gia đình ông Trần Văn Châu đang cho trái sắp thu hoạch đã bị hàng ngàn mét khối cát vùi lấp. Trong đó, gần một nửa số trụ thanh long bị cát vùi đến tận ngọn. Ngoài ra, cát còn tràn ra xung quanh các nhà dân 0,2-0,5 m; nhiều giếng nước bị cát lấp hoàn toàn. Ông Châu cho biết trước đó, khi phát hiện Công ty Cổ phần Dương Anh (đơn vị được cấp phép khai thác titan) tập kết cát thành những đồi cát lớn sát khu dân cư, nhiều người dân đã cảnh báo nhưng công ty này vẫn không khắc phục mà tiếp tục cho xe ủi dồn cát đến điểm trên để đãi tuyển titan. Hậu quả là tối 9-9, chỉ sau một cơn mưa, hàng ngàn mét khối cát đã bất ngờ đổ ập xuống khu dân cư.


Ngay khi phát hiện cát đang ầm ầm đổ xuống, gia đình ông Châu cùng nhiều bà con đã cố gắng di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Riêng ông Châu đã đi ngược hướng cơn bão cát nguy hiểm để đến nơi công ty này đóng lán trại kêu gọi sự hỗ trợ nhưng không có ai đến tiếp ứng đành quay trở lại. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, lượng cát đổ xuống ngày một nhiều hơn khiến tất cả người dân phải đóng cửa tháo chạy khỏi nhà.


Không chỉ vậy, sự cố còn làm một bồn chứa dầu diesel 5.000 lít dùng để chạy máy tuyển quặng bị dịch chuyển khiến dầu bị đổ xuống ruộng của một số hộ dân cạnh đó gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo giải thích của Công ty Cổ phần Dương Anh, nguyên nhân xảy ra sự cố là do chiều 9-9, khu vực khai thác có mưa lớn làm cát lỏng chân và tràn xuống. Tuy nhiên, theo nhiều người dân thì chính việc công ty này bất chấp lời cảnh báo, xem thường tài sản và tính mạng của họ, vẫn cho dồn cát thành những ngọn đồi cao nên việc bão cát ập xuống là điều không thể tránh khỏi.



Bão cát tích tụ sau khai thác titan vùi lấp hàng trăm trụ thanh long đang cho trái sắp thu hoạch. Ảnh: PN


Khẩn cấp di dời bãi thải cát


Đến chiều 10-9, Sở Tài nguyên và Môi trường mới lập xong biên bản yêu cầu công ty này đình chỉ ngay việc khai thác titan tại khu vực nói trên. Theo đó, Sở yêu cầu công ty khắc phục sự cố, thỏa thuận với các hộ dân bồi thường thiệt hại thỏa đáng. Ngoài ra, công ty này phải chờ có ý kiến chỉ đạo cụ thể và phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền mới được tiếp tục khai thác trở lại. Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu công ty khẩn cấp di dời bãi thải cát, hạ thấp độ cao bãi cát để tránh những sự cố tiếp theo.


Theo biên bản của đoàn kiểm tra, bãi chứa cát trên có diện tích khoảng 2.000 m2, có độ cao 30 m so với mặt bằng hiện hữu. Nhìn từ khu dân cư, bãi cát như một túi cát khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân, vô cùng nguy hiểm. Một người dân ở Văn Kê bức xúc cho biết việc cấp phép khai thác titan ngay trên đầu dân chẳng khác nào đánh đu tính mạng và tài sản của họ. Được biết, diện tích được cấp phép khai thác titan của Công ty Cổ phần Dương Anh tại khu vực này rộng hơn 7 ha. Theo một nguồn tin, tuy chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định nhưng công ty này vẫn tiến hành khai thác. Chính vì lý do này, đại diện UBND huyện Hàm Thuận Nam đã yêu cầu xem xét lại bản báo cáo đánh giá tác động môi trường khai thác ở khu vực này.


Nhiều ý kiến cho rằng chính việc quá ưu ái, xử lý chưa mạnh tay của chính quyền mà các công ty khai thác titan đã bất chấp tất cả. Và hậu quả là người dân phải gánh chịu thiệt hại. Được biết, ngay sau khi đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm, một số nhân viên của Công ty Cổ phần Dương Anh đến đưa phong bì cho những người trong đoàn kiểm tra, kể cả cán bộ ở huyện, xã để “dùng cơm” nhưng đều bị từ chối. Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.


Nhiều lần vi phạm


Cuối năm 2010, Công ty Cổ phần Dương Anh đã bị UBND tỉnh xử phạt gần 60 triệu đồng khi khai thác titan ở Hòa Thắng, Bắc Bình mà không có thiết kế mỏ, không lập hồ sơ xin xả thải vào nguồn nước, chưa thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường… Trước đó, vào đầu năm 2009 và tháng 7-2010, do tích nước tuyển quặng không an toàn, công ty này đã để vỡ bờ bao tràn cát thải ra biển, gây ảnh hưởng môi trường biển tại khu vực biển Hòa Thắng - Hòn Rơm.

Theo Phương Nam (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland