Vướng nhiều
Qua15 năm thực hiện bán nhà theo Nghị định 61/CP, Hà Nội đã bán được 135.000 căn, với số tiền bán nhà là 3.871 tỉ đồng. Tính đến 31/12/2010, TP mới tiếp nhận 15.314 đơn mua nhà, số còn lại thuộc diện không được bán, chưa kịp nộp hồ sơ hoặc người thuê nhà không mua.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc chưa bán hết quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (khoảng 52.000 căn hộ với diện tích khoảng 1,56 triệu m2) là do nhiều hộ gia đình có nguyện vọng nhưng hoàn cảnh kinh tế chưa đủ điều kiện mua; một số hộ muốn mua nhà nhưng do vướng quy hoạch, nhà đang có tranh chấp, khiếu kiện, nhà ở trong khu phố cổ nên chưa được mua. Ngoài ra, một số hồ sơ mua nhà (nhiều nhất là nhà biệt thự do phải tính thêm phần diện tích phân bổ sân, lối đi chung) đã tính xong giá bán nhưng người thuê nhà không mua, thắc mắc giá bán quá cao...
Ngoài quỹ nhà đang quản lý, trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 12.000 căn hộ có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa kê khai theo Chỉ thị 25/CT-UB. Trong đó, nhiều nhất là huyện Thanh Trì: 3.190 trường hợp, quận Ba Đình: 2.852, Hoàng Mai: 1.988, Thanh Xuân: 852 trường hợp... Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quỹ nhà này không thể cấp GCN do qua nhiều cơ quan quản lý, thậm chí cơ quan quản lý đã giải thể, nên hồ sơ gốc đã thất lạc. Thêm vào đó, qua thời gian dài không được quản lý, hầu hết người sử dụng nhà đất đã cơi nới, lấn chiếm, mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay hoặc xây dựng không phép... Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng - quận tồn tại khá nhiều dạng nhà này cho biết, người dân sinh sống ở đây rất bức xúc vì không được cấp GCN nhưng không thể giải quyết vì chưa được bàn giao quỹ nhà và cũng không có cơ quan quản lý nên dạng nhà này cứ "lửng lơ" như vậy từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, “quy trình” mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước còn rườm rà, phức tạp. Quy trình gồm 8 - 9 bước. Người dân phải có đơn mua; nhà đang thuê hợp pháp; đơn này gửi cơ quan nhà nước là Cty quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Cty phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng). Sau khi Cty thụ lý hồ sơ đủ yếu tố thuộc đối tượng nhà có thể bán sẽ mời chuyên viên liên ngành đi xác định thông số nhà bán. Và “khâu” này có những 5 sở ngành tham gia là Xây dựng, Tài nguyên, Cục Thuế, Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính.
Nhiều lo ngại
Ông Tuấn cho biết, điều khiến cơ quan quản lý lo lắng là tình trạng "nước đến chân mới nhảy", hồ sơ xin mua dồn vào những tháng cuối năm trước khi hết hạn (thực tế, điều này đã từng xảy ra mỗi khi sắp hết hạn bán nhà và Chính phủ đã phải gia hạn đến hết năm 2010). Mặc dù muốn đẩy nhanh tiến độ bán nhà ngay từ đầu năm và thời gian nhận hồ sơ mua nhà còn hơn 7 tháng, nhưng số hồ sơ nộp vào hiện mới dừng ở con số 6.000. Mặt khác, chính cơ quan quản lý cũng thừa nhận quy trình bán nhà còn phức tạp, nhiều khâu chưa được rút ngắn, khiến người dân bức xúc. Không ít trường hợp nộp hồ sơ 5-7 tháng song vẫn chưa được cấp GCN dù theo quy trình bán nhà chỉ có 51 ngày làm việc.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, kế hoạch bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trong năm 2010 đã không đạt mục tiêu đề ra, do đến hết năm 2010, cả nước chỉ bán được 290.300 căn, đạt gần 87,4% trong tổng số 332.000 căn thuộc diện được bán theo Nghị định 61/CP. |