Ảnh minh họa- Nguồn: Đầu tư
Có nhiều nguyên nhân được phân tích trong các cuộc thảo luận, trong đó một số ý kiến cho rằng, đã có những bước chưa chuẩn bị kỹ lưỡng khi đưa Vinaconex về chịu dưới sự quản lý của SCIC từ hồi 2007.
Vậy SCIC là ai? Đó là tên viết tắt của TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Theo chủ trương của Chính phủ khi tái cấu trúc lại các DNNN, nhiều DNNN đã được đặt vào lộ trình bàn giao chức năng đại diện chủ sở hữu từ Bộ chuyên ngành sang một đầu mối là SCIC nhằm kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước.
Từ bài học của Vinaconex, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Chính phủ đề nghị “giãn” thời hạn bàn giao một số DNNN thuộc Bộ về SCIC để có thời gian tránh những sai lầm không đáng có có thể xảy ra như với Vinaconex.
Đấy có lẽ chỉ là về khía cạnh kỹ thuật. Ở một góc độ khác quan trọng hơn, đó là để thực hiện những chương trình và những công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa lớn về kinh tế - chính trị - xã hội, thí dụ như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, chương trình nhà ở xã hội, chương trình điều tiết và bình ổn thị trường VLXD…, với vai trò và chức năng của riêng SCIC, khó lòng gánh vác nổi.
Lý lẽ thì cũng dễ hiểu, bởi bản thân SCIC là một DN được giao nhiệm vụ kinh doanh có lãi. Mà những hoạt động có tính lợi ích kép “kinh tế - chính trị - xã hội”, mà nhiều khi lại là “chính trị - xã hội - kinh tế”, thường xa rời mục tiêu và sự hưng phấn cần thiết của mỗi DN.
Chẳng thế mà vụ việc tai tiếng về vỡ ống cấp nước Sông Đà như thế mà Vinaconex không sao khắc phục nổi, rồi loay hoay mãi không lo được vốn để khởi công đường ống cấp nước Sông Đà 2, bởi vì… thiếu sự “hưng phấn” cần thiết.
Các cụ xưa đã khuyên, đừng “tránh vỏ dưa mà gặp vỏ dừa” là vì thế.