15/01/2014 3:42 PM
Vấn đề an sinh cho người dân dần dần được giải quyết bằng những tòa chung cư thương mại, nhà thu nhập thấp rải rác khắp các địa bàn trọng điểm cả nước.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2013 cả nước có 4.015 dự án (DA) nhà ở, khu đô thị mới. Đặc biệt, Hà Nội có 223 DA phát triển nhà ở, tương đương 220.000 căn hộ chung cư. Song hành với ngày càng dày các chung cư, cụm chung cư mọc lên, là mối lo về chăm sóc sức khỏe cư dân.

Hạ tầng xã hội: thừa và thiếu

Từ những chung cư giá rẻ "giật mình" dạng Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ, NƠXH chứa đủ bất cập như Đặng Xá, Sài Đồng, Ngô Thì Nhậm, tới các sản phẩm cao cấp như Royal City, Golden WestLake, Ciputra, Start Tower… người ta dễ dàng đón nhận đủ thông tin về tiện ích DA như hệ thống điện, đường, trường, trạm tốt nhất có thể. Trong đó, siêu thị, nhà hàng, bể bơi, trung tâm spa, sân chơi trẻ em, nhà sinh hoạt cộng đồng là những điều mặc nhiên xuất hiện tại mỗi buổi giới thiệu DA chung cư nhà ở.

Hoành tráng như Royal City, có cả sân trượt băng dưới tầng hầm. "Bình dân" như Đại Thanh cũng có trung tâm chăm sóc sức khỏe, hay tận hưởng lợi thế gần Bệnh viện quân y 103. Tuy vậy, xét chung tổng thể hơn 223 DA nhà ở tại địa bàn Hà Nội và riêng đối với những chung cư đã đi vào hoạt động ổn định từ vài năm qua, mối nghi ngại về y tế cộng đồng vẫn hiện diện. Bởi nếu xảy ra sự cố sức khỏe của cư dân tại 10 tòa chung cư, với số lượng xe cứu thương 115 (dưới 30 xe) của Hà Nội, kèm theo lác đác một vài bệnh viện tư, chắc chắn người bệnh sẽ phải nằm chờ xe cấp cứu.

Chung cư cao tầng; bệnh viện quá tải, là hai nét phác họa rõ cho tình trạng quy hoạch thiếu kiểm soát hiện nay tại Hà Nội

Mãi lực thị trường tiêu dùng tại Hà Nội đang có xu hướng giảm (vì yếu tố kinh tế vĩ mô chưa hồi phục), trong khi tiện ích về siêu thị, vui chơi luôn có mặt mỗi khi DA chào đời. Đành rằng hệ thống siêu thị là cần thiết và đáp ứng hợp lý nhu cầu mua sắm thường nhật của cư dân tòa nhà.

Tuy nhiên, yếu tố mà bất cứ ai cũng cần trước tiên là chăm sóc sức khỏe. Đối với hệ thống chung cư cao tầng hiện nay tại Hà Nội, một công trình nhà ở dân sinh cao từ 20 đến trên 30 tầng có trung bình 1.000 người sinh sống, không có nổi một bác sỹ cộng đồng chuyên chăm lo vấn đề y tế. Nếu mỗi người chỉ đóng 10.000 đồng, đã đủ tiền trả công cho bác sỹ có thể đến từng hộ gia đình đo huyết áp, khám bệnh…

Phục vụ 7 triệu dân Hà Nội chỉ có 23 xe cứu thương (hệ thống 115). Bên cạnh đó, ở các bệnh viện thông thường cơ bản chỉ có đủ xe đáp ứng nhu cầu của mình. Giả sử, ở cụm chung cư Trung Hòa – Nhân Chính (đông dân điển hình tại Thủ đô), bất ngờ xuất hiện một ca tai biến mạch máu não. Người nhà bệnh nhân gọi được một xe cấp cứu 115 từ 23 Phan Chu Trinh (q.Hoàn Kiếm) tới nơi, e rằng đã chậm. Vậy tại sao dưới mỗi tầng hầm của các khu chung cư cao tầng không thường trực một xe cứu thương? Trong khi toàn Thủ đô ngày ngày bị "cày nát" bởi hơn 20.000 xe taxi. Đây chính là bất cập rõ nhất của lĩnh vực y tế, và của chuyện an sinh tại các khu, cụm chung cư dân sinh cao tầng.

Cụm chung cư Trung Hòa – Nhân Chính hiện có khoảng hàng chục nghìn người sinh sống, nhưng không tồn tại một hệ thống y tế nào đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cư dân. Đó là chưa kể tới vấn đề thảm họa y tế nảy sinh trong trường hợp xảy cháy nổ, động đất… Nếu mỗi chung cư, bằng cách này hay cách khác, có thể chuẩn bị sẵn sàng một xe cứu thương, mỗi khi xảy sự cố y tế khẩn cấp, cuộc sống sẽ bớt rủi ro đáng kể. Thử làm một test về sự kịp thời của hệ thống y tế công, tư ở Thủ đô: từ 10 vị trí khác nhau trên địa bàn Hà Nội và gọi xe cứu thương ở nhiều thời điểm ngẫu nhiên. Kết quả: đa phần các xe đều tới sau gần 1 tiếng đồng hồ (!)

Quy hoạch bất cập

Hai lĩnh vực xây dựng và y tế "tuy hai mà một", nếu đặt trong góc độ quy hoạch. Thực tế cho thấy, một bệnh viện cấp cứu hàng đầu Quốc gia như Việt Đức được bao quanh bởi 4 làn đường 1 chiều. Cứu người như cứu hỏa, nhưng người dân tìm tới bệnh viện không khác gì bước vào tâm bão. Tại sao những bệnh viện luôn tắc đường ngay từ cổng như viện K, Việt Đức, Saint Paul, Bạch Mai… không được quy hoạch tại các vị trí rộng rãi thông thoáng hơn, dễ dàng tiếp cận hơn (trước thói quen của người dân tìm tới bệnh viện "thương hiệu quốc gia"). Trong khi đó, hàng trăm triệu ngôi nhà bị bỏ hoang, hàng triệu m2 đất cỏ mọc lút đầu người ngay trong các đô thị đặc biệt như Hà Nội.

Cũng như chuyện di dời một số trường đại học ra ngoại vi Hà Nội, giới chức Thủ đô đã phần nào hiện thực hóa những đề án, chủ trương nằm chờ từ nhiều năm trước. Nhưng lúc này, không khó tìm được những ngôi trường phải nằm chung khuôn viên với đình, chùa, UBND đối nghịch với vô tận khoảng đất bỏ hoang hóa chất chứa lượng tiền ngân sách bị lãng phí.

Cuộc sống thường nhật vẫn chứng kiến những con ngõ rộng chỉ chưa đầy 2m mà có tới gần chục hộ gia đình sinh sống, hay 7-8 gia đình cùng chung 1 số nhà tại phố cổ. Chúng ta sẵn sàng chuyển trụ sở một bộ đi, để dành hàng nghìn m2 đất cho chung cư thương mại. Nhưng vẫn chưa sẵn sàng để chấn chỉnh lại công tác quy hoạch BĐS, quy hoạch xây dựng công (bao gồm cả y tế cộng đồng).. Dư luận, vô số chuyên gia đầu ngành lẫn giới hoạch định chính sách vẫn "than" về chuyện quá tải. Phải chăng lời đáp đã có, nhưng vẫn phải chờ độ trễ chính sách.

Nguyễn Cảnh (Thời báo Kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.