12/07/2011 6:21 AM
Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn (Viện KT,QHĐT&NT) đã tổ chức tọa đàm về Cảnh quan bãi biển nhằm đánh giá hiện trạng khai thác cảnh quan các bãi biển. Từ đó, đưa ra các giải pháp xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan của các bãi biển, không gian công cộng của các bãi biển ở Việt Nam trong thời gian tới…

Du lịch biển được coi là loại hình du lịch chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch của đất nước trong tương lai. Với hơn 3.000 km chiều dài bờ biển, Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp (khoảng 70 bãi tắm lớn theo thống kê chưa đầy đủ) gắn với quang cảnh thành phố hiện đại, núi non hùng vĩ và các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, một số nơi vùng biển ven bờ có nhiều san hô, nguồn động thực vật biển phong phú. Các bãi tắm ở đây dài từ vài trăm mét đến trên dưới chục km, thoải, cát mịn và sạch, đã được du khách thập phương biết đến như những địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn, tắm biển lý tưởng.


“Băm vụn” không gian công cộng của biển


Theo nhận định của đại diện Viện KT, QHĐT&NT, trong thời gian qua, những bãi biển nổi tiếng trong nước đang dấy lên tình trạng cảnh quan xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi sự khai thác và bảo quản không hợp lý. Rất nhiều địa phương có “tài sản không gian biển” đang đua nhau “ăn cắp” hay nói cho đúng hơn là “băm vụn” những bãi biển bằng những dự án mang tính cục bộ, chưa thật sự tính toán kỹ lưỡng về một mục tiêu đua tranh phát triển lành mạnh và có tầm nhìn xa, nhìn rộng.


“Ăn” của biển, nước mắt cũng rưng rưng

KTS Ngô Trung Hải cho rằng cảnh quan bãi biển đang bị “băm nát”


KTS Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện KT,QH ĐT&NT cho biết: Không gian công cộng ở các bãi biển có hai loại, một là không gian bãi biển chưa được khai thác, đang còn ở dạng “sơ đẳng”, thiên nhiên ban tặng như thế nào thì người dân ở địa phương đó hưởng như thế ấy. Loại thứ hai là không gian công cộng bãi biển đã được khai thác thành những nơi, những khu nghỉ mát nổi tiếng. Tuy nhiên, đi từ trên phía bắc xuống đến phía nam, chúng ta khó mà gặp được sự đầu tư hoàn chỉnh nào cho một không gian công cộng ở các bãi biển. Chưa có sự đầu tư hoàn chỉnh thì chúng ta chưa thể có được các quảng trường biển nhằm phục vụ cho người dân một cách tốt nhất”.


Theo nhận định của một số chuyên gia, ở nhiều địa phương, việc hàng loạt khu du lịch hình thành dày khít dọc theo bãi biển, đang gây lo lắng cho hàng nghìn hộ dân sống ven biển do đường ngang ra khơi đánh bắt, sinh hoạt bị xóa sổ, nơi neo đậu ghe thuyền bị thu hẹp. Một số nơi, các công trình chưa có những quy định chung về quy hoạch tổ chức không gian dọc biển, tổ hợp các toà nhà văn phòng, khách sạn san sát nhau đã tạo nên “bức tường bê tông” như Rio de Janeiro (Brazil) che chắn tầm nhìn ra biển và ngăn gió biển làm cho không khí thành phố thêm ngột ngạt.


Và nhiều nơi, hiện nay khi quy hoạch, người ta đã áp đặt quy hoạch đô thị cho việc phát triển du lịch biển, đảo. Nên hình hài của các con đường, các khu du lịch hiện nay là đường ven biển và nhà phân lô. Tình trạng xây dựng có phần “thoải mái” do có sự phân cấp nên các địa phương tự quy hoạch chi tiết trong việc phát triển du lịch của địa phương mình, quản lý xây dựng chủ yếu theo các chỉ tiêu quy hoạch mà chưa chú ý đến kiến trúc cảnh quan.


Phải “minh bạch” giữa công và tư


Một trong rất nhiều cách được cho là hiệu quả đã được nêu ra tại buổi tọa đàm là: cần phải lựa chọn các loại hình xây dựng khai thác bãi tắm với quy mô, mật độ xây dựng hợp lý. Phải cân bằng được giữa việc chia quỹ đất cho các khu resort, khách sạn với không gian công cộng còn lại ở từng bãi biển để vừa gìn giữ, vừa chia lại các lợi ích mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người một cách hài hòa.


“Ăn” của biển, nước mắt cũng rưng rưng

Bãi biển Nha Trang được xem là một trong nơi
được quy hoạch rất tốt. Ảnh có tính chất minh họa


Một phần nữa cũng cần phải nói tới là giữa các resort, khách sạn cũng phải rạch ròi trong việc xác định đâu là phần đất tư, đâu là đất công. Có thể là đất tư nhân nhưng được phép cho “công cộng” đi qua.


KTS Ngô Trung Hải kể: “Ở Hawaii, rất nhiều nơi họ “cắm biển” ghi rõ ràng đây là đất tư nhân, nhưng người dân được phép đi qua. Tư nhân quản lý đất ở ven biển, quản lý những khu giáp ranh một cách sạch sẽ, chăm sóc các bãi cát, các dịch vụ ven biển nhưng người dân không bị cấm mà trái lại vẫn được tận hưởng không gian của bãi biển đó. Một điểm nữa là, hiện nay ở Việt Nam festival biển thì rất nhiều, những cuộc thi diều, thi đấu thể dục thể thao cũng rất nhiều, nhưng còn rất nhiều thứ khác lẽ ra chúng ta nên tổ chức những chương trình hoạt động công để khuyến khích đầu tư và phát triển hơn nữa thì chúng ta lại chưa làm thường xuyên... Ở Hawaii, hằng đêm người ta đều có chương trình riêng như tổ chức hòa nhạc địa phương, dạy cho lớp trẻ những điệu múa cổ truyền, nói chuyện về di sản văn hóa ngay trên các bãi biển hoặc thậm chí chiếu phim công cộng. Những hoạt động này được chính quyền và người dân địa phương phối hợp tổ chức nhịp nhàng, tạo ra được một không khí, không gian du lịch công cộng tốt nhất, mang bản sắc riêng ít nơi nào có được”.


Để bãi biển “đẹp như thời tiền sử”


Bên cạnh việc xác định các hạng mục xây dựng như nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu mua sắm, thể thao, bảo tàng sinh vật biển, công viên... cần phải có tầm nhìn xa - gần về cảnh quan của không gian ven biển. Theo ông Hải, nhiều không gian công cộng của nhiều bãi biển phải để nguyên trạng, “đẹp như thời tiền sử”, hoặc phân định rạch ròi giữa công và tư trong việc khai thác cảnh quan bãi biển.


“Trước mắt chúng ta cần phải đánh giá lại quỹ bờ biển của từng thành phố và xem xét lại tất cả các quy hoạch đó xem nơi nào chúng ta cần phải bảo vệ nguyên trạng cảnh quan tự nhiên, giữ lại một cách hoang sơ như ban đầu, cấy, trồng thật khéo léo vào đó những dịch vụ công cộng vừa cho thấy chúng ta vẫn đang chăm sóc, nhưng không gian công cộng đó vẫn rất tự nhiên, đẹp và hấp dẫn với bất kỳ ai.


Thứ hai, ăn của rừng hay của biển thì nước mắt cũng rưng rưng cả thôi. Vì vậy, để cảnh quan bãi biển không bị “ăn cắp”, tùy vào điều kiện đặc thù của từng địa phương để từ đó định hướng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc và quản lý xây dựng phù hợp với địa phương đó thì mới hy vọng góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội khu vực”. Ông Ngô Trung Hải nhấn mạnh.

  • Với biển - phải nhìn thật sâu vào bờ

    Với biển - phải nhìn thật sâu vào bờ

    “Nói về biển, hãy nghĩ đến những ngôi nhà trên phố cổ”, TS quy hoạch Phó Đức Tùng dứt khoát. “Tài nguyên, thế mạnh của họ là từng tấc đất mặt đường. Vì thế, nhà phố cổ có mặt tiền rất hẹp nhưng lại sâu hút vào trong. Như thế, mới tận dụng hết tài nguyên. Biển cũng vậy! Muốn khai thác biển phải tạo giao thông xẻ dọc sâu vào đất liền”.

Theo Phạm Nguyễn (Thể Thao & Văn Hóa)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.