23/03/2011 3:07 PM
Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ và cơ quan chuyên ngành tiến hành nghiên cứu xây dựng "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" trình Thủ tướng phê duyệt nhằm làm cơ sở hoạch định các chính sách và chương trình nhà ở quốc gia.

Nhà ở đô thị là vấn đề đau đầu của những những người làm công, ăn lương

Bất cập chính sách nhà ở

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nhà ở là một tài sản lớn, có giá trị của mỗi cá nhân, gia đình và đó là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Có chỗ ở thích hợp và an toàn là một quyền cơ bản của con người và là điều kiện cần thiết để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở; sự thiếu đồng bộ giữa các chính sách về nhà ở với chính sách về đất đai, đầu tư, quy hoạch và tài chính; giá nhà ở tăng cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc tạo lập chỗ ở của người dân.

Bên cạnh đó, các chính sách tài chính để phát triển nhà ở còn thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở còn rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo thực hiện một số chương trình, chính sách về nhà ở còn nhiều tồn tại; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để…

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, cơ cấu tiền nhà ở tính trong tiền lương mới đạt từ 8 - 10%, trong khi giá cả ngày càng tăng cao, chi phí cho nhà ở ngày càng lớn so với mức tiền lương thực tế được chi trả. Do đó, những người hưởng lương từ ngân sách không có khả năng tạo lập chỗ ở cho mình, gây nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Trong khi đó, chính sách phát triển nhà ở cho người dân thời gian qua cũng mới chỉ ưu đãi cho từng dự án, thông qua các DN kinh doanh nhà mà chưa trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng, dẫn đến tình trạng các DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng nhiều đến việc phát triển nhà ở thương mại, thu hồi vốn nhanh, mà chưa quan tâm phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở. Hiện nay, cũng chưa có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê, cũng như tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân từ "sở hữu nhà" sang hình thức "thuê nhà" để ở như đã hình thành và phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới.

Chính sách để điều tiết về giá cả, các phân khúc nhà ở và quản lý các hoạt động môi giới, sàn giao dịch bất động sản chưa thật chặt chẽ, nên người có nhu cầu thực sự về chỗ ở thì không có khả năng tạo lập nhà ở, giá nhà ở tăng quá cao do lực lượng đầu cơ chi phối sức cầu lớn và đẩy giá lên...

Gỡ nút thắt về nhà ở

Trước hàng loạt bất cập trong chính sách nhà ở hiện nay, Chiến lược nhà ở của Bộ Xây dựng soạn thảo đã tập trung vào các nhóm giải pháp hoàn thiện về cơ chế, chính sách, quy hoạch - kiến trúc, đất đai, tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ… Theo đó, cơ quan này đã đưa ra nhiều đề án phát triển nhà với tổng đầu tư lên đến 410.000 tỷ đồng, nhằm mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân đạt 21,5 m2/người và đến năm 2020 đạt 25 m2/người. Sau năm 2020, xóa toàn bộ 1,6 triệu nhà tạm trên cả nước. Bộ cũng khẳng định, đến năm 2030 diện tích nhà ở sẽ không còn là vấn đề bức xúc như hiện nay mà chủ yếu tập trung vào việc nâng cao tiện nghi, chất lượng sinh sống của người dân.

TS. Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình UN-Habitat tại Việt Nam nhấn mạnh, mục tiêu của Chiến lược nhà ở là cải thiện hệ thống cung cấp nhà ở, cải thiện điều kiện sống cho người dân, đảm bảo mọi người dân có thể có nhà ở trong khả năng chi trả và đảm bảo tính bền vững.

"Kinh nghiệm của UN-Habitat cho thấy, Chính phủ nên giải quyết những nút thắt then chốt làm cản trở việc phát triển nhà ở của người dân như các chính sách về đất đai, nguồn vốn, quy hoạch...", ông Quang nhấn mạnh.

Còn bà Lowie Rosales, Văn phòng vùng châu Á - Thái Bình Dương, UN-Habitat, cho rằng, mục tiêu của Chiến lược nhà ở là nhằm đảm bảo mọi người dân có nhà ở phù hợp và đầy đủ, đặc biệt đối với người dân nghèo. Tầm nhìn của Chiến lược nhà ở là không để ai bị loại bỏ khỏi chiến lược này.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland