Bỏ hoang đất là thực trạng nhức nhối vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ông Nguyễn Quốc Ngữ, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng trung ương đảng, đã có ý kiến về vấn đề này tại hội thảo Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất do Bộ TN&MT tổ chức ngày 21-7.

Trên 2.450 tổ chức đã để hoang hóa tới hơn 250.000 ha đất được Nhà nước giao, cho thuê. Riêng các dự án “treo” chiếm diện tích tới trên 48.000 ha, trong đó chủ yếu là dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, sân golf, trường học…, tập trung tại Bắc Trung Bộ - Tổng cục Quản lý Đất đai, cho biết.


Sẵn sàng “cho không đất”


Luật Đất đai năm 2003 quy định việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Với việc phân cấp trên, các địa phương đã chuyển khối lượng lớn đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Chỉ trong giai đoạn 2006-2010, trung bình mỗi năm diện tích đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp lên đến 130.000 ha, gấp ba lần trước đó.


Việc cấp tỉnh, TP được giao đất, cho thuê đất mà không có quy định hạn chế về diện tích, loại đất, đối tượng sử dụng đất đã dẫn đến sự tùy tiện. Thậm chí có địa phương còn tuyên bố “cho không đất” để mời gọi đầu tư. Nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng điều này để xin giao đất, thuê đất với diện tích lớn rồi bao chiếm nhằm trục lợi hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Nhiều địa phương ồ ạt phát triển khu đô thị, khu công nghiệp nhưng thiếu sự phối hợp thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh.


250.000 ha đất đang bị bỏ hoang

Việc giao đất cho các chủ đầu tư một cách dễ dàng ở phần lớn các địa phương đã làm nhiều người dân mất đất sản xuất. Ảnh: Hoàng Vân


Đáng lo ngại nữa là tình trạng cấp phép đầu tư và giao đất trồng lúa, đất có rừng để làm sân golf đang diễn ra tràn lan. Việc chỉ định chủ đầu tư dự án để né tránh đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất làm thất thoát tài sản, tiền sử dụng đất cũng khá phổ biến.


250.000 ha đất đang bị bỏ hoang


130.000 ha là diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp hằng năm trong giai đoạn 2006-2010.

Không nên giao cấp xã thẩm quyền cho thuê đất vì dễ phát sinh tiêu cực.

Ngoài những vấn đề trên, tình trạng chậm sử dụng đất so với tiến độ trong các dự án đầu tư được giao đất, cho thuê đất cũng khá phức tạp. Nhiều địa phương kiểm tra phát hiện các dự án “treo” nhưng lại thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Nguyên nhân do có sự can thiệp từ một số bộ, ngành trung ương đối với trường hợp vi phạm là đơn vị trực thuộc hoặc do lo sợ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tại địa phương.


Để khắc phục những hạn chế vừa nêu, chúng ta cần sớm thực hiện một số giải pháp: Điều chỉnh lại việc phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương (theo kết luận của Bộ Chính trị vào cuối năm 2010) nhằm khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan. Cạnh đó, đề nghị giao bộ trưởng Bộ TN&MT thực hiện thẩm quyền của Thủ tướng ở cấp trung ương về giao đất, cho thuê đất. Đặc biệt, không nên giao cấp xã thẩm quyền cho thuê đất vì dễ phát sinh tiêu cực.


NGUYỄN QUỐC NGỮ Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng trung ương đảng

Theo Hoàng Vân (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.