Cánh đồng hoang trong thành phố
Năm 2002 UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất. Khi hoàn thành, dự án này sẽ bố trí 761 nền đất và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và các hộ dân bị giải tỏa di dời trong dự án mở rộng, nâng cấp đường Trường Chinh. Ngay trong năm 2002, UBND TP đã ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án và giao cho Công ty Công trình GTCC TPHCM làm chủ đầu tư dự án này. Theo dự án, diện tích đất phải thu hồi là 36,2ha, có tổng số 740 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 719 hộ bị giải tỏa trắng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đất và nhà dân sau khi di dời bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Qua 10 năm, trên khu đất đã giải tỏa rộng hàng chục hécta vẫn chỉ là bãi cỏ mọc um tùm. Người dân tại khu phố 5, phường Tân Thới Nhất bức xúc cho biết, do chậm triển khai, dự án này chẳng những bỏ đất hoang lãng phí mà còn biến khu đất này thành bãi rác, bãi tập kết các thứ vật liệu thu gom của những người mua bán phế liệu và cũng là ổ tệ nạn hút chích, cướp giật… Các cư dân khu phố 5 ngao ngán kể: “Khi được vận động di dời để xây dựng dự án, nhiều người dân ở đây đã đồng thuận, chịu đi tạm cư để sau đó sẽ được trở lại tái định cư ngay tại địa phương, nơi gia đình mình đã sinh sống từ trước đến nay.
Thế nhưng, dự án đã “trùm mền” luôn gần chục năm nay, khiến quyền lợi của người dân cũng bị “treo” trong suốt ngần ấy năm” Các hộ đã đồng ý đi tạm cư vẫn phải sống trong tình cảnh bấp bênh, nhấp nhổm, mòn mỏi chờ tái định cư. Còn gần 10ha trong vùng thực hiện dự án chưa giải tỏa xong, người dân không chấp nhận mức giá đền bù chỉ 180.000 đồng/m². Các hộ chưa di dời lại càng khốn khổ, nhà cửa không được sửa chữa, sống trong cảnh thiếu điện, nước, hạ tầng không đảm bảo… Anh Hoàng Hồng Minh, cư ngụ tại đây, bức xúc than: “Nhà cửa xuống cấp mà không được sửa chữa; không được cấp số nhà nên không xin được đồng hồ điện, gần chục năm nay gia đình tôi phải câu điện của nhà hàng xóm để xài tạm”.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất sẽ được hoàn thành vào năm 2007. Nhưng nhiều năm sau khi triển khai, dự án vẫn không nhúc nhích gì nên UBND TPHCM đã đồng ý cho tách 5,9ha ra để đầu tư thực hiện trước một dự án riêng, sau đó mới thực hiện đầu tư tiếp trên diện tích còn lại. Dù điều chỉnh như vậy nhưng đến nay, trên mặt bằng 5,9ha thuộc dự án tách ra, chỉ mới xong 4 hạng mục. Việc san lấp mặt bằng khu này vẫn còn dang dở; hạng mục chiếu sáng công cộng mặc dù đã phê duyệt thiết kế và dự toán nhưng chưa thi công; hạng mục công viên cây xanh vẫn chưa triển khai. Những hạng mục chung của toàn dự án, như chung cư 12 tầng phục vụ tái định cư cho người dân địa phương chỉ mới thi công phần móng, sàn tầng hầm, rồi dừng thi công từ năm 2008; hệ thống giao thông - thoát nước toàn dự án vẫn chưa có…
Chuyển chủ đầu tư nhưng chưa hết vướng
Dự án này đã trở thành một khu tái định cư “treo” dai dẳng tại TPHCM, là một trong những “điểm nóng” mà HĐND TP phải giám sát rất nhiều lần. Qua giám sát cho thấy dự án “treo” cả chục năm nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là sự hạn chế về năng lực thực hiện của chủ đầu tư. Mặc dù UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng xử phạt chủ đầu tư và nhà thầu vì không bảo đảm tiến độ các hạng mục công trình thuộc dự án, nhưng rồi dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Do vậy, cuối năm 2010 UBND TP đã quyết định bàn giao nguyên trạng dự án này từ Công ty Công trình GTCC sang cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc UBND quận 12). Cuối tháng 2-2011, hai bên đã ký biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án.
Trả lời phóng viên Báo SGGP về việc chậm an cư cho người dân vùng giải tỏa thực hiện dự án này, ông Trần Kim Bình, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, thừa nhận vẫn còn lấn cấn là vì dự án chưa bàn giao xong. Ông Bình phân trần: “Có một số hạng mục trước đây chủ đầu tư cũ đã đầu tư, giải phóng mặt bằng nên quận phải kiểm toán, kiểm định thật rõ ràng vấn đề tài chính trước khi nhận bàn giao. Dù vậy, chúng tôi cũng đã bắt tay vào thực hiện dự án trong khi chờ kiểm định, kiểm toán, chứ không phải ngồi chờ. Trước mắt, quận sẽ tập trung triển khai xây dựng hạ tầng, nhà tái định cư ngay trong phần đất đã giải phóng mặt bằng xong. Phần diện tích còn lại sẽ tiếp tục bồi thường và di dời người dân để triển khai dự án như đã quy hoạch”.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, tiến độ dự án có được đẩy nhanh hay không còn tùy thuộc vào thời gian làm lại thủ tục. Trước đây áp giá đền bù theo các quy định cũ nên khá thấp, người dân không chấp nhận nên phải điều chỉnh; dự án được phê duyệt đã quá lâu, cần điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh giá đầu tư vì trượt giá. Ngoài ra, dự án giải quyết thoát nước cho khu tái định cư này đã được Sở KH-ĐT duyệt năm 2003, nhưng chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, do không có phương án bồi thường tổng thể nên tiếp tục vướng khi điều chỉnh dự án theo NĐ 83/CP của Chính phủ.
Một dự án đã “treo” hơn 10 năm nay, đất bỏ hoang, người dân phải sống trong cảnh tạm bợ. Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án để người dân được an cư.