Hội Nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/2 và hiện đã bước sang ngày thứ 2.
Nói về tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản, tiến sĩ Đinh Thế Hiển đã ví von: “Một cánh bướm đập ở rừng Amazon còn có thể gây bão lớn ở Texas huống chi đây lại là một sự kiện lớn với sự tham gia của hơn 2.000 nhà báo quốc tế”.
Tin tức được đăng tải liên tục trên các tờ báo lớn toàn thế giới, không chỉ là những thông tin xung quanh Hội nghị, mà hình ảnh Hà Nội và Việt Nam cũng liên tục xuất hiện trước, trong và thậm chí cả sau hội nghị trên hàng trăm kênh truyền thông quốc tế. “Điều này sẽ giúp hình ảnh Việt Nam được nhận diện trên thế giới. Khi thương hiệu, hình ảnh đã được nhận diện, hiệu quả kinh tế đạt được chắc chắn sẽ tốt hơn”, ông Hiển nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Phân tích kỹ hơn, ông Hiển cho rằng, sự kiện sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam luôn rất “nhạy” trước các tín hiệu từ bên ngoài. Hiện nay, TTCK Việt nam đang trong xu thế tăng do đã giảm khá sâu ở quý 4-2018, và đà tăng này rất cần các đợt mua vào từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, chỉ cần nhìn thấy triển vọng tốt từ thị trường Việt Nam, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư sẽ nhanh chóng gia nhập thị trường. Khi nhà đầu tư gia tăng khối lượng và giá trị giao dịch, TTCK Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn và giữ vững nhịp tăng trưởng.
“Với việc Tổng thống Donald Trump chọn Việt Nam làm địa điểm họp sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư ngoại tham gia trong đợt này, đồng thời thu hút thêm những làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, từ đó giúp thị trường có nguồn lực duy trì đà tăng trưởng”, ông Hiển nhận định.
Về tác động dài hạn, ông Hiển cho rằng việc Tổng thống Donald Trump chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đã tạo ra một thông điệp tích cực cho Việt Nam. Đó chính là tính ổn định về chính trị và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Điều đó sẽ cổ vũ cho làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, bắt nguồn từ việc dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc mà các năm 2016 - 2018 đã xuất hiện.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, khi thương hiệu, hình ảnh quốc gia được nhận diện, hiệu quả kinh tế đạt được chắc chắn sẽ tốt hơn.
“Với nguồn lực này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nền tảng ổn định về việc làm, về cán cân thanh toán và tiếp đến là nguồn cầu nội địa. Tất cả các yếu tố này là cơ sở để các quỹ đầu tư mạnh dạn bơm thêm tiền vào TTCK Việt Nam. Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vì vậy cũng được hưởng lợi”, ông Hiển đánh giá.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng TTCK còn chịu nhiều tác động. Diễn tiến trong năm 2018 cho đến cuối tháng 2-2019 cho thấy, việc lướt sóng luôn tạo ra siêu lợi nhuận, nhưng cũng gây sát thương lớn vì bên cạnh các tác động thông thường, một số (không nhỏ) cổ phiếu còn có những nguồn lực bóng đêm.
Tuy nhiên, với những cổ phiếu tốt (VCB, MGW,...) thì việc đầu tư đã cho thấy nhà đầu tư có thể bất chấp cách "đưa - đẩy” của nhóm tạo sóng với phương thức giá cổ phiếu này xuống đến một mức nào đó thì cuối cùng cũng sẽ lên tới một mức giá hợp lý.
“Cần chú ý là cách này chỉ áp dụng tốt với nhà đầu tư cá nhân có vốn dưới 10 tỉ đồng; còn các quỹ đầu tư với vốn vài trăm tỉ thì khó áp dụng hơn vì size thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ”, ông Hiển khuyến cáo.
Đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ chịu tác động tích cực khi thế giới biết tới Việt Nam nhưng tác động đó chỉ là một phần. “Quan trọng vẫn phải dựa vào toàn bộ nội lực của sản phẩm du lịch và lưu trú của chúng ta”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tổng cục du lịch Việt Nam từng thống kê có tới 80% du khách nước ngoài không quay lại. Trong khi ngành du lịch nói riêng và kinh doanh nói chung thì người khách cũ và người mua hàng tiếp theo mới là quan trọng. Do đó vai trò quan trọng, bền vững để tăng trưởng nằm ở chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó có cả sản phẩm nghỉ dưỡng.
“Nếu lạm dụng, ăn theo sự kiện này nhiều thì vô tình sẽ tạo hiệu ứng ngược. Chưa kể, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa linh hoạt trong việc tận dụng sự kiện này để quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm của công ty họ nên việc kỳ vọng sự kiện sẽ có một tác động lớn đến thị trường là khó”, ông Hiển nhận định.
-
HSBC: Căng thẳng thương mại đẩy các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam
CafeLand - Trong báo cáo mới nhất, HSBC đánh giá căng thẳng thương mại có thể thúc đẩy vốn FDI chảy vào Việt Nam nhiều hơn và tạo thêm việc làm khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngân hàng, bất động sản vẫn là 2 lĩnh vực dẫn dắt thị trường năm 2019.
-
Kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 với nhiều điểm sáng
Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 715 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng nguồn vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD,... theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống k...
-
Nvidia cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam, khoảng 50.000 việc làm sắp xuất hiện
Nvidia đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong 4 năm tới.
-
Các tập đoàn bán dẫn hàng đầu Mỹ quy tụ tại Việt Nam
Trong hai ngày 10 và 11/12, các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ như Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon và Skyworks đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đoàn do ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), dẫn ...