CafeLand - Trong tâm bão của những liên quan đến việc bị cưỡng chế một dự án đất ở Vũng Tàu và một số nhân viên bị bắt, tại trụ sở chính của Công ty địa ốc Alibaba mọi việc vẫn diễn ra sôi động.

Vào buổi sáng, hàng trăm nhân viên của công ty vẫn tập trung tại đây để giới thiệu và đưa khách hàng đi tham quan dự án. Không chỉ có vậy, trên website và Fanpage của mình, Alibaba tuyên bố đã bán thành công hàng nghìn lô đất trong “tâm bão”.

Còn nhớ trước đó vào cuối năm 2017, Alibaba bị chính quyền TP HCM và Đồng Nai cảnh báo, công an điều tra và báo chí cũng đã phanh phui về việc công ty này bán các “dự án ma” cho khách hàng.Trước những sóng gió tưởng chừng như khó vượt qua đó, địa ốc Alibaba vẫn tiếp vươn lên mạnh mẽ.

Số vốn điều lệ của công ty này tăng lên từ 1 tỉ đồng năm 2016 lên 1.600 tỉ đồng vào thời điểm điều tra cuối năm 2017, và theo thông báo trên website công ty thì vốn điều lệ hiện đã tăng tới 5.600 tỉ đồng, một con số lớn hơn rất nhiều so với nhiều “đại gia” trong ngành địa ốc ở Việt Nam. Cũng trong mốc thời gian này, nhân sự công ty tăng từ 5 người, lên 1.500 và hiện nay là 2.600 người. Cũng theo thông báo từ website công ty thì hiện nay Alibaba có tới 47 dự án với 20.000 sản phẩm.

Những con số trên cho thấy công ty này đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay dù đã trải qua rất nhiều sóng gió. Vậy bí mật sau sức sống mãnh liệt của Alibaba là gì?

Quy mô hoành tráng của địa ốc Alibaba

Giá bán hấp dẫn hơn thị trường

Bí quyết đầu tiên để Alibaba thành công trong việc lôi kéo khách hàng là việc bán đất với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Vào cuối năm 2017, Alibaba rao bán dự án ảo Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với mức giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2. Mức giá này chỉ bằng 50% so với thị trường tại thời điểm đó. Hiện nay, Alibaba cũng đang rao bán một loạt dự án ở Đồng Nai như ở Nhơn Trạch, Xuân Lộc hay ở Vũng Tàu như Phú Mỹ, Tân Thành… với mức giá cũng chỉ từ 2-6 triệu đồng/m2, bằng 30-60% so với giá thị trường của các dự án khác.

Với mức giá thấp đó và cam kết “sổ đỏ thổ cư”, Alibaba đã dễ dàng thu hút được hàng nghìn khách hàng tham gia mua dự án. Mới đây nhất, dù trong cơn bão khủng hoảng liên quan đến việc nhân viên công ty chống người cưỡng chế và bị bắt, nhưng Alibaba vẫn mở bán dự án Ali Aqua Nhơn Trạch và Alibaba Thắng Hải Newtimes City. Theo thông báo từ phía công ty, đã có gần 1.000 nền được đặt thành công trong đợt mở bán 16/06/2019 vừa qua.

Cam kết lợi nhuận khủng

Một trong những “bí quyết” khác để Alibaba thu hút được người mua nhà chính là cam kết lợi nhuận “khủng” khi thu mua dự án. Với chính sách này, khi khách hàng đã đóng tiền mua dự án do Alibaba môi giới, nếu không hoàn thành việc bàn giao sổ đỏ hoặc khách hàng muốn bán lại thì Alibaba sẽ chi trả tiền gốc và lãi suất khoảng 12-15% cho 6 tháng hoặc 28-35%/năm. Trên webside tapdoandiaocalibaba.com của công ty cũng liên tục thông báo “Chi tiền thu mua dự án”.

Như vậy, nếu công ty thực hiện cam kết này thì rủi ro đầu tư của khách hàng vào các dự án của Alibaba rất thấp. Không chỉ mua được đất với giá “hời”, thấp hơn giá thị trường mà nhà đầu tư còn có thể “chuyển đổi” thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành tiền với lợi nhuận gấp 4-5 lần so với lãi suất tiền gửi tại ngân hàng.

Trên thực tế, Alibaba đã thực hiện chính sách “thu mua” và nhiều khách hàng nhận được “lãi khủng” khi mua đất các dự án “ảo” của doanh nghiệp này. Do đó, dù phần lớn dự án của Alibaba là không có thật, và công ty này cũng không sở hữu những dự án đó nhưng vẫn có hàng nghìn khách hàng “xuống tiền” ký hợp đồng.

Công ty Alibaba trả lại tiền cho khách hàng với mức lợi nhuận lên đến 15%/6 tháng (Nguồn tapdoandiaocliababa.com)

Đối đầu với truyền thông chính thống và tận dụng scandal để PR

Khác với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác luôn cần sự ủng hộ của truyền thông, các cấp chính quyền để cho việc triển khai dự án thuận lợi, xây dựng thương hiệu tốt trong mắt khách hàng, Alibaba dường như làm ngược lại. Mới đây nhất, Alibaba sẵn sàng đối đầu với đoàn cưỡng chế, thậm chí tổ chức “đòi người”. Đây là thách thức với chính quyền địa phương nơi có dự án. Trước đó, dù bị điều tra về việc bán “khống” dự án ảo Tây Bắc Củ Chi, nhưng doanh nghiệp này vẫn đưa ra biên bản có tính chất thách thức truyền thông.

Trên website chính thức của mình, địa ốc Alibaba cũng đăng nhiều bài viết của các báo chí chính thống đưa tin không tích cực về công ty. Như vậy, dường như Alibaba đang áp dụng chiến lược “sử dụng scandal” để nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, dường như chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Kể từ thời điểm bị điều tra cuối năm 2017 đến nay, Alibaba vẫn không ngừng lớn mạnh và nổi tiếng cùng với các vụ scandal. Số dự án của công ty công bố từ 17 đã tăng lên 47, nhân sự từ 1.500 đã tăng lên 2.600 người, vốn điều lệ từ 1.600 tỉ đã tăng lên 5.600 tỉ đồng. Hiện nay, Alibaba đã có mặt ở khắp nơi và có hàng nghìn khách hàng “ruột” và đã chào bán được hàng chục nghìn sản phẩm.

Có thể nói Alibaba đã “thành công” nhờ vào mạng lưới bán hàng ở khắp nơi và có hàng nghìn nhân viên. Khách hàng chính của Alibaba phần lớn cũng không phải là những người có nhu cầu mua đất để ở mà chủ yếu là đầu tư. Trong số đó, chắc chắn nhiều người biết rõ tình trạng pháp lý của các dự án nhưng họ sẵn sàng đầu tư với mức lợi nhuận kỳ vọng cao. Với một chiến lược bán hàng “khôn ngoan”, Alibaba đã khiến cho nhiều khách hàng tạm thời hài lòng.

Bài 2: Khi nào Địa ốc Alibaba sụp đổ?

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.