ThS. Hồ Bá Tình

ThS. Hồ Bá Tình
Chuyên gia kinh tế

Bí mật về cỗ máy in tiền

21/05/2021 8:45 AM
ThS. Hồ Bá Tình ThS. Hồ Bá Tình
CafeLand – Bỗng dưng nhận được cuộc điện thoại của một người bạn cùng quê đã lâu không liên lạc làm tôi khá bất ngờ. Tuy nhiên, điều làm tôi bất ngờ hơn cả là anh bạn này hỏi về việc có nên đầu tư một đồng tiền kỹ thuật số được một số người bạn giới thiệu hay không.

Sở dĩ tôi ngạc nhiên là vì bạn tôi là người rất đam mê kỹ thuật và đang làm việc chuyên môn cho một tập đoàn đa quốc gia. Bạn tôi rất ít khi quan tâm đến những vấn đề về đầu tư và tài chính. Có lẽ “sức hút” của đồng tiền kỹ thuật số và việc nó tăng giá quá mạnh giúp nhiều người bỗng chốc trở nên giàu có đã khiến một người vốn khá điềm tĩnh và ít quan tâm đến đầu tư không thể đứng ngoài cuộc.

Có lẽ, bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt.

Đồng tiền kỹ thuật số đã phát triển vô cùng mạnh mẽ trong hơn một năm qua. Chỉ tính riêng số tiền ảo được thống kê trên trang web coinmarketcap đã lên tới hơn 5.000 coin. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn đồng tiền ảo chưa được “niêm yết” và hàng chục nghìn đồng tiền khác đang trong quá trình phát triển. Không ngoa khi nói rằng cả “xã hội” đang chạy đua “in tiền”.

Cũng theo thống kê của coinmarketcap vào ngày 19/5/2021, tổng giá trị thị trường các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay vào khoảng 2.000 tỉ đồng, giảm gần 30% so với cách đây một tháng. Trong đó, đồng tiền có vốn hóa cao nhất là Bitcoin với giá trị 752 tỉ USD (40.000 USD/BTC), đồng có vốn hóa thứ 2 và thứ 3 là Ethereum và Binance Coin với giá trị lần lượt là 344 và 67 tỉ USD. Đồng tiền mới nổi đình đám và có mức tăng trưởng mạnh thời gian gần đây là Dogecoin cũng có giá trị thị trường lên tới 54 tỉ USD.

Trở lại với câu chuyện của bạn tôi. Cũng như nhiều người khác, một trong những câu hỏi mà bạn tôi thắc mắc là các đồng tiền như Bitcoin, đồng mã hóa khác là tiền thật hay tiền ảo. Tại sao nhiều người vẫn gọi các cryptocurrency là tiền ảo trong khi nó vẫn có những giao dịch thật và mang lại sự giàu có cho nhiều người?

Để trả lời câu hỏi đó thì trước hết chúng ta phải hiểu bản chất của tiền là gì và nó được vận hành như thế nào trong nền kinh tế.

Tiền có chức năng là trung gian trao đổi giữa người này và người khác. Như vậy, bất kỳ cái gì có tính chất “trung gian” trao đổi thì có thể xem là “tiền”.

Trước đây khi chưa có phát minh về tiền giấy hay tiền điện tử thì những kim loại quý hiếm như vàng, bạc được sử dụng làm tiền. Trọng lượng vàng, bạc được xem là thước đo mệnh giá của tiền. Ở một số cộng đồng dần cư trên thế giới, tiền nhiều khi đơn giản chỉ là các mảnh vỏ sò, lá cây, cối đá hoặc một thứ gì đó được quy ước là “tiền”.

Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhà nước in, đúc tiền làm bằng kim loại hoặc là in giấy thành tiền. Mệnh giá của tiền được ghi trên đồng kim loại hoặc tờ giấy chứ không còn tùy thuộc vào trọng lượng như đối với kim loại. Thường nhà nước độc quyền in đúc tiền và cấm mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội làm giả tiền đưa vào lưu thông.

Ngày nay, hầu như mỗi quốc gia đều có đồng tiền riêng và do nhà nước phát hành. Những loại tiền này gọi là tiền pháp định (Fiat money). Theo nghĩa rộng thì những giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, séc… cũng được xem là “tiền”. Ngoài ra, tiền cũng không còn là dưới dạng vật lý là tờ giấy hay kim loại mà dưới dạng ghi sổ.

Sở dĩ các đồng tiền có giá trị là được “bảo chứng” bởi uy tín, mức độ vững mạnh của quốc gia đó. Ngày nay, đồng USD vẫn là đồng tiền được xem là mạnh nhất và được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch thương mại và tài chính trên toàn cầu bởi nó được bảo chứng bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và được mọi người mặc nhiên thừa nhận (lòng tin – thương hiệu).

Hiện nay, dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (lớn hơn các nước trong EU) và đóng góp rất lớn trong thương mại toàn cầu, nhưng đồng nhân dân tệ của nước này chưa được xem là đồng tiền quốc tế bởi “lòng tin” vào nhà nước Trung Quốc chưa cao. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc vẫn đang kiểm soát tỷ giá nên đồng tiền này không được xem đồng tiền tự do chuyển đổi nên nó được ít quốc gia chấp nhận trong giao thương.

Trái người với các đồng tiền do nhà nước phát hành là những đồng tiền được “xã hội hóa”. Trong đó, Bitcoin được xem là đồng tiền thành công nhất bởi nó được hình thành dựa trên công nghệ và hình thức vận hành mới. Về công nghệ, Bitcoin được tạo thành dựa trên công nghệ blockchain làm cho mọi giao dịch được ghi nhận lại đầy đủ và gần như không thể thay đổi.

Việc lưu trữ thông tin, xử lý lệnh giao dịch của của Bitcoin được thực hiện phi tập trung. Nói cách khác, có hàng nghìn máy tính sẽ cùng một lúc xử lý thông tin và lưu trữ thông tin về giao dịch của Bitcoin. Ngoài ra, việc tạo ra Bitcoin cũng có giới hạn (khai thác ngày càng khó và tối đa chỉ tạo ra 21 triệu Bitcoin). Việc chuyển quyền sở hữu cho nhau được thực hiện dễ dàng mà không cần trung gian thanh toán là các ngân hàng.

Người được xem là “cha đẻ” cua Bitcoin là một người có tên là Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, Satoshi vẫn được xem là người “bí ẩn” bởi thông tin về người đàn ông này đến nay vẫn chưa được tiết lộ với công chúng.

Sở dĩ Bitcoin được giới tài chính ưa thích và tăng giá mạnh bởi vì nó giải quyết được một số vấn đề mà nhiều người cho rằng là “điểm yếu” của các đồng tiền pháp định. Những “điểm yếu” này là tiền do nhà nước kiểm soát, và nhiều trường hợp bị “in” tràn lan dẫn đến lạm phát. Tính bảo mật về danh tính khi giao dịch cũng không cao khi phải sử dụng trung gian trao đổi (ngân hàng).

Trong một bài viết ngắn này, tôi không thể trình bày được hết sự khác nhau giữa đồng tiền “truyền thống” và đồng tiền mã hóa. Tuy nhiên, điều đó cũng trả lời phần nào câu hỏi mà người bạn của tôi đang đặt ra là các đồng tiền crypto là tiền ảo hay tiền thật. Nói cách khác, thực tế không có đồng tiền ảo hay thật mà là đồng tiền đó tạo ra bằng cách nào và ai là người “bảo chứng” cho giá trị của đồng tiền đó mới quan trọng.

Nói đến đây thì một câu hỏi mà không ít người đặt ra là giá trị và sức mạnh của đồng tiền từ đâu. Câu trả lời là đồng tiền chỉ có giá trị khi nó thực hiện chức năng trung gian trao đổi. Sở dĩ đồng USD là đồng tiền mạnh vì nó là đồng tiền có tính thanh khoản cao và sử dụng trong phần lớn giao dịch trên toàn cầu. Điều này, cũng đồng nghĩa với những đồng tiền không đóng vai trò trung gian trao đổi thì không có giá trị của một “đồng tiền” thực sự.

Ở đây còn một khái niệm chúng ta cần phân biệt là “giá trị” và “giá cả”. Trong thực tế giá cả và giá trị trong nhiều thời điểm không đi liền với nhau. Giá cả có thể tăng giá mạnh bởi kỳ vọng, tâm lý và được “làm giá” bởi các tay đầu cơ. Chẳng hạn, chỉ cần một phát ngôn của Elon Musk, hay một ai đó “làm giá” có thể làm cho đồng Dogecoin, Bitcoin và các đồng tiền khác tăng/giảm rất mạnh.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc và một số quốc gia khác và Facebook đang thực hiện để cho ra đời các đồng tiền mã hóa, nên họ cho rằng cryptocurrency là xu hướng của đồng tiền tương lai. Tuy nhiên, thực tế đồng kỹ thuật số nhân dân tệ chỉ là “kỹ thuật phát hành” nên thực tế nó vẫn là một đồng tiền pháp định. Nó không phải là đồng tiền kỹ thuật số thông thường như các đồng tiền chúng ta thường biết.

Tương tự như vậy, đồng tiền DIEM của Facebook (The Diem Association), cũng không có tính chất cơ bản của một đồng tiền “Bitcoin” đúng nghĩa. Đồng DIEM nếu có ra đời thì tỷ giá của nó cũng dựa vào đồng USD và nhóm các đồng tiền mạnh khác. Đồng DIEM nếu có thì chức năng chính của nó là trung gian thanh toán hoặc dự trữ giá trị chứ không phải là một đồng tiền được sử dụng để đầu cơ như các cryptocurrency khác.

Tôi cho rằng các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay chủ yếu đóng vai trò như một công cụ đầu cơ là chủ yếu. Giá trị của một cryptocurrency tùy thuộc vào “thương hiệu” và cộng đồng quan tâm nó chứ không phải được tạo ra từ chức năng trung gian trao đổi.

Tuy nhiên, không một Quốc gia nào có thể chấp nhận việc tồn tại một đồng tiền bên ngoài nhà nước bởi nó gây rủi ro cho nền kinh tế và làm suy yếu vai trò của nhà nước. Hơn nữa, “xã hội” không thể “bảo chứng” cho một đồng tiền tồn tại lâu dài khi nó thực sự không có vai trò của một đồng tiền đúng nghĩa.

Một thực tế ít người biết là tiền trong nền kinh tế không phải tạo ra bằng cách “in” của ngân hàng trung ương mà chủ yếu được tạo ra bởi các định chế tài chính như “ngân hàng”. Như vậy, các cryptocurrency hiện nay không thể đóng vai trò là “tiền” trong nền kinh tế như nhiều người lầm tưởng.

Hiện nay, hàng chục nghìn đồng coin ra đời. Tất cả đều được quảng cáo là “đồng tiền của tương lai”, sử dụng để chuyển tiền xuyên quốc gia và cho giao dịch ngầm, có tiềm năng phát triển lớn …. và có thể tăng hàng trăm lần trong tương lai. Để phát triển nhanh thì phần lớn những “đồng tiền ảo” đều phân phối theo mô hình đa cấp.

Trở lại câu chuyện của bạn tôi, kiểm tra thông tin này trên mạng về đồng tiền bạn tôi hỏi thấy khả năng lừa đảo là 99%. Do đó, tôi khuyên bạn tôi rằng nếu thực sự thích đầu cơ, thích cảm giác mạnh, thử vận may thì nên mua. Nếu thực sự tìm đến một thứ có giá trị và ít rủi ro nên đứng ngoài cuộc chơi đó.

Talkshow: Đồng Bitcoin đạt đỉnh gần 20.000 USD, nguy cơ lừa đảo trên sàn Liber Forex
Chủ đề: giá bitcoin,
Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.