Theo quy định tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 121), hướng dẫn tại Công văn số 2316/BXD-TTr của Bộ Xây dựng và Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì đối với hành vi vi phạm thi công xây dựng sai phép, không phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép công trình được tồn tại và cấp giấy chứng nhận sở hữu theo quy định.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư số 02/2014/TT-BXD, việc cho phép công trình tồn tại như quy định trên chỉ áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, tại Khoản 10 Điều 13 Nghị định 121 cũng quy định đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp xử lý theo Khoản 9 Điều 13 Nghị định này thì sẽ bị đình chỉ thực hiện và chủ đầu tư phải tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, với những công trình xây dựng nhà ở sai phép hoặc không có phép mà khi công trình chưa hoàn thành bị cơ quan có thầm quyền phát hiện hành vi vi phạm, hoặc khi công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện vi phạm mà công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; gây ảnh hưởng các công trình lân cận; có tranh chấp; xây dựng trên đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì người chủ bị xử phạt, bị đình chỉ xây dựng và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm, trường hợp không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định.