Tại Điều 62 Luật Xây dựng 2003 quy định về các loại công trình, nhà ở khi xây dựng không phải xin Giấy phép xây dựng. Như vậy, loại trừ các công trình được liệt kê tại Điều 62, tất cả các công trình xây dựng trước khi khởi công chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng. Điểm đáng lưu ý là đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, các quy định về giấy phép xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. UBND cấp huyện quy định cụ thể các điểm dân cư tập trung thuộc địa bàn phải cấp giấy phép xây dựng.
Về điều kiện cấp giấy phép xây dựng, với từng loại công trình khác nhau, pháp luật về xây dựng có những quy định cụ thể khác nhau về điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng cho từng trường hợp. Chẳng hạn, những quy định chung được cấp giấy phép xây dựng đối với các loại công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ được quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Những quy định về điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng tạm cũng được quy định chi tiết tại Điều 7 Nghị định này.
Về thời gian có hiệu lực của giấy phép xây dựng, tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép xây dựng mà công trình chưa khởi công thì người xin cấp Giấy phép xây dựng phải xin gia hạn Giấy phép xây dựng”.