13/02/2015 8:27 PM
CafeLand - Nghị quyết 43/NQ-CP của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính trong việc hình thành và thực hiện dự án đầu tư nhà ở được ban hành từ tháng 6/2014. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước thực hiện việc đơn giản hóa khâu quản lý trong cấp giấy phép, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Thế nhưng, ngược lại với những gì mà Chính phủ và doanh nghiệp mong đợi, thủ tục hành chính vẫn cứ chậm, vậy lỗi do ai?

Vấn đề cắt giảm thủ tục cấp phép dự án đã “nóng ran” tại một cuộc hội thảo về thị trường bất động sản do CafeLand tổ chức vào tháng 10/2014. Theo đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự bức xúc trước hiện trạng chậm chạp trong việc cấp phép xây dựng, vậy đâu là nguyên nhân?.

20 tháng hoàn tất thủ tục cấp phép dự án… điều không tưởng

“Các anh phải làm sao giảm được thủ tục hành chính hơn nữa. Hiện nay, nói thời gian hoàn tất thủ tục cấp phép dự án hơn 20 tháng thì đó là điều mơ tưởng. Nếu doanh nghiệp nào, dự án nào thực hiện được trong thời gian đó, tôi nghi ngờ rằng doanh nghiệp đó có lobby nhiều. Thực tế, không có ông “thánh” nào làm được như vậy” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nêu vấn đề tại Hội thảo.

Trước ý kiến của ông Đực, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, giải thích, một dự án đầu tư phát triển nhà ở, thời gian từ khi bắt đầu làm hồ sơ thủ tục cho đến khi đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật mất ít nhất 21,5 tháng, dự án lớn hơn thì 26,5 tháng. Tuy nhiên đó là dự án thực hiện trong điều kiện lí tưởng không có vướng mắc, không có khó khăn còn thực tế hầu như dự án nào cũng có những vướng mắc, khó khăn.

Cùng suy nghĩ với ông Đực, một nhà đầu tư các dự án bất động sản, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cũng cho rằng, vấn đề thủ tục hành chính hiện vẫn còn kéo dài. “Bản thân là một doanh nghiệp đầu tư, hiện nay Lê Thành đang triển khai 8 dự án nhưng trong đó không có dự án nào thủ tục dưới 30 tháng, có dự án mất đến 50 tháng. Chúng ta phải cải cách nếu không sẽ tốn rất nhiều tiền của xã hội, mà người mua nhà là đối tượng chịu thiệt vì chi phí thực hiện dự án một phần không nhỏ nằm ở thủ tục hành chính doanh nghiệp sẽ cộng vào giá thành”.

Từ trái sang: ông Lê Hữu Nghĩa, ông Trần Trọng Tuấn, bà Dương Thùy Dung, TS. Vũ Đình Ánh

Trước những bức xúc đó, Giám đốc Sở Xây dựng phân trần: “Chúng tôi có rà soát thống kê lại trước khi có Nghị quyết 43. Động lực của chúng tôi làm là tinh thần cải cách thủ tục hành chính tốt cho doanh nghiệp, xã hội chứ không phải vì sự áp đặt của Nghị quyết này”. Ngoài ra, theo ông Tuấn, thủ tục đầu tư nhà ở không phải chỉ do một mình Sở Xây dựng làm mà nhiều sở ban ngành khác cùng tham gia. Do vậy, muốn làm được cần sự phối hợp giữa các cơ quan.

Ông Tuấn cũng cho biết, Sở Xây dựng thành phố đã bắt đầu rà soát lại các quy trình thực hiện thủ tục và nhờ đó bước đầu kéo giảm được 25% tổng thời gian thực hiện dự án. Vừa rồi, cơ quan này định trình lên cấp trên thì có Nghị quyết 43 của Chính phủ với chủ trương là kéo giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, đơn vị này tiếp tục kiểm tra rà soát lại để có thể xem xét cắt giảm hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết.

Sửa rồi nhưng vẫn bất cập?

Liên quan đến vấn đề TP.HCM đang triển khai thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết 43 của Chính phủ, ông Đực cho rằng, đó là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời và ủng hộ Thành phố thực hiện sớm. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Công ty Địa ốc Đất Lành cũng thắc mắc rằng, tại sao Quyết định 27 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 43 của Thủ tướng Chính phủ do UBND TP.HCM ban hành vào 8/2014 vừa qua có đưa thêm quy định nhà xây dựng dưới 7 tầng mới được miễn cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, Chính phủ chỉ quy định công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì được miễn. Hiện không có dự án chung cư nào xây dựng nào dưới 7 tầng. Vậy phải chăng Sở đã vô hiệu hóa Nghị quyết 43?

Ông Nguyễn Văn Đực chất vấn Sở Xây dựng về vấn đề miễn cấp giấy phép xây dựng dự án.

Giải đáp thắc mắc này, đại diện Phòng cấp phép Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Hiện nay, TP.HCM triển khai Nghị quyết 43 của Chính phủ thông qua Quyết định 27 của UBND thành phố thì có miễn giấy phép xây dựng đối với các công trình nhà ở dự án có quy mô dưới 7 tầng và diện tích sàn dưới 500m2. Xét trong bối cảnh tại thời điểm tháng 6/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 43 nhưng đồng thời ngày 18/6, Quốc hội cũng thông qua Luật Xây dựng năm 2014 và có hiệu lực vào 1/2015. Do đó, Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 43 trên cơ sở phù hợp với luật xây dựng mới được ban hành”.

“Chúng tôi cố gắng để cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án của mình. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn với doanh nghiệp trong phạm vi pháp luật cho phép. Trong đó, các quy chuẩn luật pháp nào cho phép thì áp dụng quy chuẩn có lợi nhất cho doanh nghiệp” - vị đại diện Sở Xây dựng xoa dịu bầu không khí đang nóng.

Thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm

Thừa nhận thời gian thực hiện các thủ tục xây dựng dự án như hiện nay, trên lý thuyết lẫn thực tế vẫn còn dài, Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn nhận trách nhiệm và sẵn sàng sửa sai. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, không thể đổ lỗi cho một phía cơ quan Nhà nước mà doanh ngiệp cũng cần xem lại. Thủ tục chậm một phần là do doanh nghiệp chưa biết luật và làm đúng luật dẫn đến trong quá trình duyệt hồ sơ phát hiện có nhiều sai sót, phải sửa đi sửa lại mất nhiều thời gian.

Ông Tuấn thẳng thắn: “Nghị quyết 43 có hiệu lực đến nay vẫn chưa có sản phẩm như mong đợi vì cần sự rà soát lại, thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật. Đó là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Và tôi là một trong những Giám đốc sở, sẵn sàng nhận trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng chúng ta phải tôn trọng các quy trình của pháp luật. Cần có sự nỗ lực và trách nhiệm của nhiều bên. Nếu bên nào sai thì phải thẳng thắn nhận sai và sửa sai”.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế và là diễn giả tại Hội thảo cũng cho rằng, có sự chênh lệch thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính giữa lý thuyết và thực tế là điều dễ hiểu và có thể du di. Quan trọng là trách nhiệm cần nhìn nhận từ hai phía doanh nghiệp và Nhà nước. “Mỗi bên không chỉ quan tâm đến cái lợi của mình mà còn phải nhìn thấy được cả trách nhiệm. Cả hai bên cùng ngồi lại để chia sẻ và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn”, TS. Ánh nhận định.

Mặc dù còn vướng mắc nhưng ông Tuấn cũng hy vọng và tin tưởng rằng, với việc quyết tâm thực hiện Nghị quyết 43 của Chính phủ về kéo giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính xuống 40%, sắp tới các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đầu tư. “Hy vọng đây sẽ là yếu tố động viên, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”, vị Giám đốc Sở chia sẻ.

Ngày 6/6/2014, Chính phủ ra Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo đó, Nghị quyết này yêu cầu tối giản thủ tục hành chính (cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện dự án), đặc biệt là chuyển việc thực hiện một số thủ tục từ nhà đầu tư cho các cơ quan quản lí Nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Điểm h, Khoản 1, Điều 2 quy định: Không yêu cầu thực hiện việc cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Bùi Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.