Bà nội tôi có một mảnh đất ruộng khoảng 7.000m2 và đã chia ra làm hai phần. Một phần cho bác tôi và một phần cho cha tôi nhưng chưa có tách riêng cho mỗi người. Hiện nay bà nội đã già và không có khả năng đi lại.
Xin hỏi quy trình, chi phí và thủ tục làm sổ hồng riêng cho mỗi người như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội
Theo thông tin bạn trình bày thì hiện tại bà nội bạn đã già và có một mảnh đất ruộng khoảng 7.000m2 muốn chia cho bố bạn và bác. Do thông tin không nêu rõ mảnh đất thuộc địa phương nào nên chúng tôi cung cấp thông tin quy định chung như sau.
Quy trình và thủ tục làm sổ hồng
Thứ nhất: Điều kiện để tách thửa
Căn cứ Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu:
“Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”
Ngoài ra, tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP về diện tích tối thiểu được tách thửa cũng quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.”
Theo đó, tùy địa phương đang có đất mà UBND tỉnh của địa phương đó sẽ có quyết định về diện tích tối thiểu để bạn được làm thủ tục tách thửa, nói cách khác một mảnh đất lớn sau khi tách thành những mảnh đất với diện tích nhỏ hơn thì những mảnh đất sau khi tách vẫn phải đảm bảo điểu kiện về hạn mức tối thiểu thì mới được coi là đủ điều kiện tách thửa.
Thông tin bạn không nêu rõ là ở tỉnh nào nên tùy theo từng tỉnh mà quy định diện tích tối thiểu để tách thửa.
Nếu bạn đủ điều kiện để tách thửa và phù hợp với quy hoạch thì để thực hiện làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai người thì trước tiên cần tách thửa thông qua thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất. Tặng cho quyền sử dụng đất là bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác.
Thứ hai: Công chứng hợp đồng tặng cho
Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Chuẩn bị hồ sơ công chứng:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Luật công chứng 2014, hồ sơ công chứng gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Dự thảo hợp đồng tặng cho
- Bản sao giấy tờ tùy thân:
+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các bên.
+ Sổ hộ khẩu.
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng tặng cho:
+ Tùy tình trạng hôn nhân của người yêu cầu công chứng thì cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; quyết định ly hôn; văn bản cam kết về tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn.
+ Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản riêng: Di chúc, văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hợp đồng tặng cho, văn bản cam kết về tài sản, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung.
Thứ ba: Thủ tục tách thửa
Theo khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT hồ sơ đề nghị tách thửa đất như sau:
- Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu 11/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện:
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Khi tặng cho đất đai giữa mẹ với con đẻ thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT/BTC.
Bạn lưu ý việc tặng cho để tách thửa cần phải phù hợp diện tích tối thiểu để tách thửa và theo quy hoạch của địa phương.
-
Hướng dẫn chi tiết thủ tục tách thửa, hợp thửa theo quy định mới nhất
Ngày 01/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kèm theo Quyết định 2124/QĐ-BTNMT thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước. Trong đó, có hướng dẫn thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất....
-
Quy định mới về tách thửa đất người dân cần biết
Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 không quy định nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất. Tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất. Vậy, quy định cụ thể thế nào?...
-
Luật Đất đai 2024: Điều kiện, nguyên tắc tách thửa, hợp thửa đất?
Điều kiện, nguyên tắc tách thửa, hợp thửa đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 thế nào?