Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến sự phá sản và chuyển đổi mô hình hoạt động của hàng loạt các tập đoàn tài chính hoặc ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay bất động sản. Ảnh: Reuters.
Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ chương trình “NeighborWorks America”. Sau khi được bầu làm tổng thống, Tổng thống G.W.Bush đặt mục tiêu gia tăng số lượng chủ sở hữu nhà mới phải đạt ít nhất là 5.5 triệu người vào năm 2010 thông qua hàng tỷ USD tín dụng thuế, bảo trợ và chọn lựa Fannie Mae là công ty nòng cốt với cam kết gây quỹ 440 tỷ USD cho chương trình này, cùng với đó là việc Ngân hàng Trung ương Mỹ liên tục hạ lãi suất 11 lần từ 6.5% xuống còn 1.75%.
Khi chương trình được công bố, các ngân hàng lần lượt bỏ qua các tiêu chí cho vay, dẫn đến tỷ lệ từ chối cho vay mua nhà xuống thấp kỷ lục là 14%, chỉ bằng một nửa so với năm 1997. Tiếp theo, ngân hàng trung ương Mỹ thất bại trong việc giám sát và thực thi quyền lực đối với các ngân hàng hương mại, ngân hàng bảo chứng các khoản vay thế chấp và các tổ chức cho vay khác. Các Ngân hàng này đã bỏ qua các tiêu chí cho vay như tình trạng việc làm, thu nhập, mức trả ban đầu, điểm số tín dụng, tài sản, các chỉ số tài sản/nợ và khả năng thanh toán... thay vào đó các Ngân hàng này chỉ chú trọng đến việc liệu khách hàng có khả năng tái vay các khoản vay hỗ trợ tín dụng hay không.
Tiếp đến, uỷ ban chứng khoán Nhà nước chính thức dỡ bỏ luật khống chế mức nợ so với tài sản “Luật Tài Sản ròng” của 5 Ngân hàng - Goldman Sachs, Merrill Lynch, Lehman Brothers, Bear Stearns và Morgan Stanley. Việc tháo gỡ luật này giúp các các Ngân hàng không còn bị trói buộc về hạn mức nợ, các Ngân hàng thi nhau nâng mức vay nợ so với tổng tài sản từ 20, 30 thậm chí 40 lần đối với 1 tài sản.
Nhờ luật bị dỡ bỏ, các ngân hàng và các tổ chức cho vay ào ạt tiếp thị tạo ra những hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn và khuyến khích cả những người không đủ khả năng tài chính cũng đi vay tiền để mua nhà. Tỷ lệ sở hữu nhà tại Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại 69.2% vào năm 2004. Các tổ chức cho vay còn tạo ra những hợp đồng bắt đầu với lãi suất rất thấp trong những năm đầu và sau đó điều chỉnh lại theo lãi suất thị trường. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay không đòi được nợ. Nguy hại hơn nữa là các tổ chức tài chính phố Wall đã gom góp các hợp đồng cho vay bất động sản này lại làm tài sản bảo đảm, để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế.
Các loại trái phiếu này được mệnh danh là “Mortgage backed securities – MBS”, một sản phẩm tài chính phát sinh được bảo đảm bằng những hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp. Các tổ chức giám định hệ số tín nhiệm đánh giá cao loại sản phẩm phát sinh này. Và nó được các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí trên toàn thế giới mua mà không biết rằng các hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm là không đủ tiêu chuẩn.
Hệ quả là bắt đầu từ quý 4 năm 2005 đến quý 1 năm 2006, giá nhà trung bình trên toàn nước Mỹ giảm 3.3% và tiếp tục sụt giảm cho đến hiện nay. Giá cả không còn tăng lên, lượng nhà mới bán ra cũng giảm, và lượng nhà tồn kho tăng lên. Chỉ số xây nhà mới tại Mỹ giảm hơn 40% vào giữa tháng 8 năm 2006 so với năm trước.
Thị trường cho vay thế chấp bất động sản bắt đầu sụp đổ, hàng loạt nhà bị tịch thu (gấp đôi năm trước đó) và việc gia tăng lãi suất đe dọa làm giá nhà tiếp tục giảm sâu hơn. Người đi vay đã không có khả năng trả được nợ hoặc cũng rất khó bán bất động sản để trả nợ, và kể cả bán được thì giá trị của bất động sản cũng đã giảm thấp tới mức không đủ để thanh toán các khoản nợ vay.
Các nhà đầu tư vào MBS, các ngân hàng, công ty bảo hiểm sau đó mất khả năng thanh toán. Với việc thị trường bất động sản giảm mạnh, làm cho một số lớn hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm cho các trái phiếu MBS là nợ khó đòi, các trái phiếu MBS mất giá trên thị trường thứ cấp, thậm chí không còn mua bán được trên thị trường, khiến cho các ngân hàng, các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này không những bị lỗ nặng mà mất cả khả năng thanh toán.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong 22,000 tỷ USD giá trị bất động sản tại Mỹ thì có tới hơn 12,000 tỷ USD là tiền đi vay, trong đó khoảng 4,000 tỷ USD là nợ xấu. Các nước khác cũng bắt chước Hoa Kỳ và bán ra loại trái phiếu phái sinh MBS này trong thị trường tài chính của họ. Vì vậy, trên toàn thế giới tổng số nợ bất động sản khó đòi và tổng số MBS bị “nhiễm độc” chưa thể tính hết được.
Trầm trọng hơn nữa là những hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi “Credit Default Swap – CDS" lên đến 35,000 tỷ USD và toàn thế giới khoảng 54,600 tỷ USD (theo ước tính của Hiệp hội “International Swap and Derivatives Association”). Công nghiệp cho vay thế chấp bất động sản sụp đổ, hơn 50 Ngân hàng cho vay thế chấp tuyên bố phá sản hoặc phải rao bán chính mình. Khủng hoảng tín dụng lan rộng ra khắp thế giới khi các chứng khoán được bảo lãnh bởi các thế chấp bất động sản được phát hiện trong các danh mục đầu tư của các Ngân hàng và các quỹ kinh doanh công cụ tài chính phái sinh, từ ngân hàng BNP Paribas tới Bank of China. Rất nhiều Ngân hàng dừng cung cấp tín dụng cho các khoản vay có thế chấp và tín chấp.
Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ sau đó phải bơm 100 tỷ USD cho các Ngân hàng mượn với lãi suất thấp. Tuy nhiên, hàng loạt các công ty vẫn phải tuyên bố phá sản như American Home Mortgage, Countrywide Financial Corporation. Trong số những ngân hàng đổ vỡ, phải kể tới ngân hàng tiết kiệm Washington Mutual có trụ sở ở bang Seattle vì đây là ngân hàng lớn nhất từng bị đóng cửa trong lịch sử ở Mỹ.
Thông qua khủng hoảng có thể nhìn thấy một số bài học kinh nghiệm sau đây cho các Ngân hàng thương mại Việt Nam:
- Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản tại Mỹ là việc các Ngân hàng cạnh tranh tung ra nhiều sản phẩm nhằm kích thích người vay và chính sách cho vay quá dễ dãi. Vì vậy, các ngân hàng cần tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định và quy chế cho vay, cần có quy chế rõ ràng cho việc cho vay vào thị trường bất động sản. Ngoài ra, đối với các khoản vay bất động sản, ngân hàng cần chú trọng đến việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, phương án kinh doanh hiệu quả hơn là chú trọng đến tài sản thế chấp là bất động sản.
- Các Ngân hàng tại Mỹ phớt lờ và không tư vấn cho khách hàng những rủi ro có thể gặp phải khi lãi suất được điều chỉnh theo thị trường. Tại Việt Nam, cũng tương tự, các ngân hàng cho vay với thời hạn từ 10 - 30 năm và lãi suất cho vay cũng tính theo lãi suất thị trường, nhưng các Ngân hàng gần như không tư vấn cho khách hàng những rủi ro có thể gặp phải khi lãi suất tăng. Trong thời gian qua, khi tính khả năng trả nợ của khách hàng tại thời điểm vay vốn, các ngân hàng thường dùng lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại, không chú ý đến lãi suất tăng theo thời gian do các yếu tố khác nhau tác động như lạm phát, tỷ giá, cạnh tranh... Do vậy, khi xuất hiện rủi ro lãi suất tăng, nhiều khách hàng mất khả năng trả nợ. Do đó, ngân hàng nên tư vấn cho khách hàng những rủi ro có thể gặp phải khi lãi suất được điều chỉnh theo thị trường.
- Trong trường hợp khi thị trường bất động sản đang nóng, việc định giá bất động sản để cho vay là điều khó khăn. Các ngân hàng nên chú trọng trong việc xác định giá bất động sản, đề phòng khi thị trường sụt giảm, giá bất động sản đang thế chấp sẽ giảm theo gây nên rủi ro cho ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng cần có bộ phận định giá bất động sản độc lập, tránh tình trạng nhân viên tín dụng vừa thẩm định cho vay, vừa định giá tài sản đảm bảo.
*Bài viết có tham khảo tài liệu của CNBC