CafeLand - Hiện nay, nhiều nhà phố có diện tích nhỏ hẹp nên người dân đã làm ban công nhô ra ngoài đường nhằm tăng diện tích cho căn nhà.

Thực tế có những nơi người dân được phép làm ban công nhô ra ngoài đường nhưng có nơi lại nghiêm cấm việc này; bởi vậy, nhiều người thắc mắc trường hợp nào được phép làm ban công nhô ra ngoài đường, và được nhô tối đa bao nhiêu mét.

Để mọi người hiểu rõ nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật về xây dựng, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh sẽ chia sẻ rõ về vấn đề này.

Thứ nhất, nếu chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ thì trong một số trường hợp nhất định sẽ cho phép các chi tiết kiến trúc trang trí, ô-văng, ban công... nhô ra ngoài đường; nếu chỉ giới xây dựng lùi vào so với chỉ giới đường đỏ thì không một bộ phận, chi tiết kiến trúc nào của công trình được vượt quá chỉ giới đường đỏ.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Quy hoạch xây dựng”, mã số QCVN 01:2019/BXD được ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BXD (sau đây gọi gọn là Quy chuẩn năm 2019) định nghĩa về chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng như sau:

- Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.

- Chỉ giới xây dựng là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất cho phép xây dựng công trình (phần nối và phần ngầm) và phần đất lưu không.

Thứ hai, trước đây, theo khoản 2.8.10 Chương II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Quy hoạch xây dựng’, mã số QCVN:01/2008/BXD được ban hành kèm theo Quyết định 04/2008/QĐ-BXD (sau đây gọi gọn là Quy chuẩn năm 2008) thì quy định rõ độ vươn ra của ban công, mái đua, ô-văng trong từng trường hợp cụ thể và không được quá 1,4 mét. Tuy nhiên, tại Quy chuẩn năm 2019 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) thì không còn quy định cụ thể trường hợp nào ban công, mái đua, ô-văng được nhô ra ngoài đường và nhô với khoảng cách bao nhiêu như tại Quy chuẩn năm 2008.

Thay vào đó, khoản 2.6.7 Quy chuẩn năm 2019 quy định: “Trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ, các quy định trên phải đảm bảo nguyên tắc sau: Không cản trở các hoạt động giao thông tại lòng đường; đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các hoạt động đi bộ trên vỉa hè; không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật nổi và ngầm trên tuyến phố; đảm bảo tính thống nhất về cảnh quan trên tuyến phố hoặc từng đoạn phố; đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và các hoạt động của phương tiện chữa cháy”.

Như vậy, các chi tiết cấu tạo kiến trúc trang trí, các sê-nô, ô-văng, ban công và phần mái đua có được nhô ra ngoài đường hay không, nếu được nhô thì nhô ra bao xa thì cần phải đảm bảo quy định nêu trên, phải được thiết kế đồng bộ trên cả tuyến/dãy phố; và do đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hoặc quy chế về quy hoạch kiến trúc tại từng khu vực quy định.

Do đó, để biết chính xác với thửa đất của mình khi xây nhà có được làm ban công, ô-văng… nhô ra ngoài đường hay không thì bạn cần xem đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hoặc quy chế về quy hoạch kiến trúc tại nơi đó.

Chủ đề: An toàn chung cư,
  • Các loại lưới an toàn ban công tốt hiện nay

    Các loại lưới an toàn ban công tốt hiện nay

    CafeLand – Sau sự việc bé gái 3 tuổi rơi khỏi tầng 13 của tòa nhà mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, lo ngại về những hiểm họa từ lan can nhà chung cư hiện nay. Do đó, việc sử dụng lưới an toàn ban công rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho người thân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vậy, nên chọn loại lưới an toàn ban công nào?

Thổ Kim
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.