19/09/2020 3:15 PM
CafeLand - Theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà chung cư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho căn hộ của mình.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều người “lầm tưởng” nghĩa vụ mua bảo hiểm cháy, nổ thuộc về chủ đầu tư nên không thực hiện. Nhằm giúp mọi người hiểu rõ về vấn đề này để tránh rủi ro pháp lý, giảm thiệt hại nếu không may xảy ra cháy nổ, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ sau đây:

Thứ nhất,căn cứ vào khoản 1 Điều 2, khoản 1 điều 3 Nghị định 23/2018/NĐ-CP và khoản 9 Phụ lục II Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhà chung cư phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.

Do đó, cư dân đang sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định; đối với trường hợp dự án nhà chung cư đang thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư (chưa được chuyển giao cho cư dân) thì chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ này.

Thứ hai,căn cứ vào khoản 9 Phụ lục II Nghị định 23/2018/NĐ-CP mức phí bảo hiểm mỗi năm đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) là 0.05% của số tiền bảo hiểm tối thiểu, nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) là 0.1% của số tiền bảo hiểm tối thiểu. Lưu ý, mức phí bảo hiểm này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Căn cứ điều 4 và điều 5 Nghị định 23/2018/NĐ-CP thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của nhà chung cư tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không xác định được giá thị trường của nhà chung cư thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận.

Đồng thời, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2018/NĐ-CP, ngoài việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.

Thứ ba,căn cứ Điều 46 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì xử lý các vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau:

- Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không có biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định.

+ Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành.

+ Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không tách riêng hợp đồng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói theo quy định;

+ Không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Lưu ý, căn cứ vào khoản 2 Điều 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với cá nhân vi phạm; trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên.

Luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh)

Luật sư Phạm Thanh Hữu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.