Khi đã giải quyết xong các vấn đề trong hợp đồng và ký kết biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà thì việc thuê nhà sẽ chấm dứt, giữa người thuê và người cho thuê không còn liên quan đến nhau về mặt pháp lý.
Trường hợp thanh lý hợp đồng thuê nhà
Khi hợp đồng thuê nhà đã hết hạn mà bên thuê không có nhu cầu thuê tiếp hoặc bên cho thuê không cho thuê tiếp.
Nếu hợp đồng chưa hết hạn nhưng hai bên có văn bản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc bên thuê nhà vì vài lý do không muốn tiếp tục việc thuê.
Trong thời gian thuê nhà bị xảy ra sự cố, nhà ở bị hư hỏng nặng không thể khắc phục hoặc là nhà ở đó nằm trong vùng quy hoạch giải tỏa đất, có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà đang cho thuê đó bị nhà nước trưng dụng, trưng mua trong những trường hợp pháp luật quy định.
Ngoài ra còn có những trường hợp một trong hai bên có thể đơn phương thanh lý hợp đồng thuê nhà. Các thỏa thuận này được ghi rõ ngay trong hợp đồng thuê nhà ban đầu với sự thống nhất của hai bên.
Với bên cho thuê có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà khi:
- Bên thuê không thanh toán tiền thuê nhà trong 3 tháng hoặc sử dụng nhà thuê sai mục đích.
- Bên thuê tự ý phá dỡ nhà, xây dựng, cải tạo, cơi nới không theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Bên thuê tự ý cho thuê lại nhà, cho người khác mượn, di dời tài sản thuộc nhà đang thuê.
- Trong quá trình sinh sống, bên thuê nhà gây ra ô nhiễm về môi trường hoặc tiếng ồn làm ảnh hưởng đến các hộ lân cận đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng không thay đổi.
Bên thuê nhà cũng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà nếu:
- Tài sản thuê hư hỏng gây ảnh hưởng đến cuộc sống, không phải lỗi của bên thuê mà bên cho thuê không tiến hành sửa chữa.
- Giá thuê không theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng, tăng một cách vô lý không có cơ sở, không thông báo cho bên thuê nhà biết trước về vấn đề tăng giá thuê nhà.
Khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thì các bên phải thực hiện thông báo cho bên còn lại trước 30 ngày nếu không thỏa thuận khác. Nếu có thiệt hại xảy ra thì phải thực hiện bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Lưu ý khi ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà
Đối với bên cho thuê, cần kiểm tra lại tài sản cho thuê xem có còn đúng nguyên trạng hay không. Nếu có sự thay đổi thì thay đổi đó có được sự đồng ý của mình không, nếu không thì cần thỏa thuận lại với bên thuê nhà về vấn đề bồi thường.
Đối với bên đi thuê, nếu do bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng, cần xác định lý do bên cho thuê đưa ra có hợp lý, vi phạm điều khoản trong hợp đồng thuê nhà ban đầu hay không để có phương án đòi đền bù phù hợp.
Trong trường hợp, có thỏa thuận về việc chấm dứt và lập biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà, hai bên phải cùng kiểm tra lại tài sản để tránh xảy ra tranh chấp. Nếu có vấn đề và có phương án bồi thường thì nên lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của hai bên và đính kèm với biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà.
Với bên đi thuê, để tránh những tranh cãi không đáng có khi lập biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà, trước khi chuyển vào ở nên chụp lại hiện trạng căn nhà, nhất là những vị trí nhận thấy có vấn đề, hay hư hỏng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Download Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà tại đây
-
Mẫu hợp đồng thuê nhà cập nhật mới nhất
CafeLand - Hợp đồng thuê nhà là thỏa thuận giữa người thuê và người cho thuê. Theo quy định, hợp đồng thuê nhà phải lập thành văn bản, tuy không bắt buộc phải công chứng nhưng với trường hợp nhà có giá trị cao, thuê dài hạn thì nên công chứng để đảm bảo quyền lợi các bên.