Có lẽ kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiABank) vào Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) là thông tin được giới tài chính quan tâm nhất hồi giữa tháng 6.2013.

Đáng chú ý nhất là tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Xét về quy mô, HDBank, ngân hàng lớn hơn, lại chịu sáp nhập theo tỉ lệ 1:1 với ngân hàng nhỏ hơn là DaiABank, có vẻ như chỉ có lợi cho một bên. Nhưng nếu xét thêm các yếu tố khác sẽ thấy đây là mối duyên từ trước và tỉ lệ 1:1 là hợp lý.

Nếu HDBank và DaiABank sáp nhập thành công, ngân hàng mới sẽ là ngân hàng lớn thứ 12 tại Việt Nam xét về quy mô tài sản.

Để hiểu rõ hơn mối lương duyên này, cần phải nhìn lại sự kiện bầu Kiên. Cuối tháng 8.2012, bầu Kiên bị bắt. Bên cạnh việc nắm cổ phần ở nhiều ngân hàng lớn như Ngân hàng Á Châu, Eximbank, bầu Kiên còn nắm cổ phần ở DaiABank. Giám đốc một công ty tư vấn mua bán và sáp nhập (không muốn nêu tên) cho biết số cổ phần của bầu Kiên tại DaiABank sau đó đã được bán lại. Một số cổ đông khác cũng thoái vốn vào lúc đó.

Nắm bắt cơ hội này, một số cổ đông lớn của HDBank đã nhanh tay mua vào. Hiện nay, nhóm cổ đông lớn của HDBank đã nắm khoảng 40% cổ phần DaiABank. Tại Đại hội cổ đông của DaiABank ngày 15.6, lãnh đạo của ngân hàng này thừa nhận đã ký thỏa thuận hợp tác với HDBank từ tháng 9.2012, tức ngay sau khi bầu Kiên bị bắt. Rõ ràng, HDBank đã nhắm tới DaiABank từ trước.

Nhóm HDBank nắm đến 40% cổ phần. Tỉ lệ này được xem là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định sáp nhập DaiABank và tỉ lệ hoán đổi ngang bằng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động của hai bên sẽ thấy tỉ lệ này cũng không có gì là không hợp lý.

Dù có quy mô nhỏ hơn nhưng DaiABank đã sớm đáp ứng yêu cầu an toàn tài chính của Ngân hàng Nhà nước, tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng năm 2010 trong khi HDBank đi sau 1 năm. Vốn chủ sở hữu của HDBank hiện khoảng 5.400 tỉ đồng, lớn hơn DaiABank 30%. Dù vậy, cơ cấu tài chính và hiệu quả hoạt động của hai ngân hàng này có nhiều điểm tương đương. HDBank và DaiABank đều thu được mức lợi nhuận vừa phải trong bối cảnh một số ngân hàng hầu như không còn vốn sau khi trích lập dự phòng nợ xấu. Lợi nhuận ròng năm 2012 của DaiABank là 191 tỉ đồng và HDBank hơn 326 tỉ đồng. Nếu xét hệ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), hai bên không quá chênh lệch (DaiABank 5,7% và HDBank 6%). Hệ số P/E (giá/lợi nhuận mỗi cổ phần) cũng ngang nhau, tương đương 6 lần.

Nợ xấu cũng là con số đáng chú ý. Chỉ số này ở HDBank là 2,35% trên dư nợ gần 21.000 tỉ đồng, theo công bố của ngân hàng này, tương đương gần 500 tỉ đồng. Còn ở DaiABank là 5,28% trên dư nợ 7.686 tỉ đồng, tức hơn 400 tỉ đồng. Con số nợ xấu tại DaiABank rất đáng báo động. Sau sáp nhập, HDBank phải gánh thêm phần đáng báo động này. Nhưng nhìn đại cục, con số này không đáng kể so với lợi ích do thương vụ mang lại.

Lợi nhuận ròng của HDBank và DaiABank

Lợi ích trước mắt là gia tăng được quy mô và mạng lưới hoạt động. Nếu thành công, ngân hàng sau sáp nhập sẽ lọt vào nhóm 12 ngân hàng lớn nhất Việt Nam xét về quy mô tài sản (hơn 72.000 tỉ đồng). Vốn điều lệ mới sẽ hơn 8.000 tỉ đồng trong khi mạng lưới sẽ lên tới gần 200 điểm. Mạng lưới mới sẽ không bị trùng lắp nhiều bởi địa bàn của HDBank là ở TP.HCM, còn DaiABank chủ yếu ở miền Đông Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), lợi ích lớn nhất thương vụ mang lại là tăng được sức cạnh tranh trước các ngân hàng lớn. Cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng lãi suất là chuyện phổ biến. Trong cuộc đua này, các ngân hàng lớn có uy tín thương hiệu nên không trả lãi cao. Nhưng các ngân hàng quy mô nhỏ phải huy động vốn từ khu vực dân cư và vay liên ngân hàng với lãi suất cao. “Lãi suất liên ngân hàng có khi lên tới 30% vào những tháng cuối năm 2012”, ông Sơn cho biết. Điều này đã tạo áp lực lớn lên lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ cũng như khả năng duy trì hoạt động của họ.

HDBank và DaiABank không nằm trong diện bắt buộc tái cơ cấu theo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy HDBank đã sớm biết nắm bắt thời cơ để gia tăng sức mạnh và khôn khéo chọn cho mình một mảnh ghép phù hợp.

Giản Phúc (Nhịp cầu Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • HD Bank- Đại Á: Hôn nhân sắp đặt

    HD Bank- Đại Á: Hôn nhân sắp đặt

    01/07/2013 8:40 AM

    Có lẽ kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiABank) vào Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) là thông tin được giới tài chính quan tâm nhất hồi giữa tháng 6.2013.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.