CafeLand - UBND Thành phố vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM.

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM có tổng cộng 76 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 8/9/2014. Quy chế này là cơ sở để cơ quan quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng làm căn cứ quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị và làm căn cứ để xác lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt.

Theo quy chế, 24 quận, huyện của thành phố chia làm 3 khu vực phát triển đô thị với những định hướng phát triển cụ thể như sau:

Khu vực đô thị mới bao gồm 13 quận nội thành hiện hữu: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú với định hướng phát triển theo hướng hạn chế gia tăng dân số, từng bước bổ sung cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; cải tạo chỉnh trang để có được sự đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Khuyến khích các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, trọn ô phố, tạo thêm các không gian mở, các công trình dịch vụ đô thị, tăng thêm chỗ đậu xe; hạn chế các dự án khoét lõm quy mô nhỏ, trong các hẻm nhỏ, thiếu kết nối đồng bộ với không gian đô thị hiện hữu.

Khu vực đô thị mới bao gồm 6 quận mới: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức với định hướng phát triển theo nguyên tắc tập trung đầu tư xây dựng các khu vực đô thị mới có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các công trình kiến trúc mới, hiện đại, có chất lượng thiết kế tốt và thân thiện môi trường; cảnh quan hài hòa với điều kiện tự nhiên từng khu vực, tạo lập được môi trường sống tốt và đặc trưng riêng của từng khu đô thị mới.

Khu vực ngoại thành bao gồm 05 huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ với định hướng phát triển theo hướng tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng các khu đô thị vệ tinh hiện đại đã được xác định trong quy hoạch chung Thành phố. Xây dựng mô hình khu ở nông thôn phù hợp với điều kiện địa hình từng khu vực, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hạn chế tối đa việc chuyển đổi chức năng các khu vực đất nông nghiệp và đất dành cho hệ thống cây xanh, công viên của Thành phố.

Điều 27. Công trình nhà ở trên sông nước, kênh rạch

1. Nhà ở ven và trên sông, kênh, rạch, hồ công cộng (nhà sàn) chưa có kế hoạch di dời, không ảnh hưởng đến dòng chảy và giao thông thủy thì được cải tạo sửa chữa theo nguyên trạng.

2. Nhà, đất thuộc hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch:

a) Đất trống: không cấp phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ.

b) Trường hợp có nhà hiện hữu: cải tạo, sửa chữa theo quy định hiện hành.

c) Các dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt trước ngày có hiệu lực của Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 09/6/2004 về Quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch thuộc địa bàn TP.HCM, nhưng nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch thì được cấp phép xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.