Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) qua hơn hai năm thực hiện đã từng bước đi vào cuộc sống, được nhiều DN lựa chọn. Tuy nhiên cho đến nay, sản phẩm này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trên thị trường. PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD về vấn đề này.


Ông Lê Văn Tới

Xin ông cho biết tại sao phải thay thế gạch đất sét nung bằng các VLXKN?

- Gạch đất sét nung cần nguyên liệu đầu vào là đất sét và nhiên liệu nung là than. Một số nơi còn dùng củi, hoặc tận dụng trấu để nung gạch. Hàng năm chúng ta phải cần một số lượng vật liệu xây khổng lồ. Con số này cũng tăng tỷ lệ theo sự tăng trưởng đầu tư của xã hội.

Năm 2011 và năm 2012 là các năm chúng ta đang bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới; cả nước phải thực hiện nhiều chính sách để tiết giảm tín dụng, cắt giảm đầu tư công… nhưng mỗi năm cả nước đã sử dụng tới 24 tỷ viên gạch xây quy tiêu chuẩn (QTC). Dự báo vào năm 2015 cả nước sẽ phải sử dụng gần 30 tỷ viên và năm 2020 khoảng 40 tỷ viên gạch QTC. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét phải tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than đồng thời thải ra bầu không khí trên nửa triệu tấn CO2. Nếu chúng ta sử dụng hoàn toàn gạch đất sét nung cho xây dựng thì chả mấy chốc sẽ cạn kiệt đất sét, tiêu tốn một khối lượng lớn than, những nguồn tài nguyên không tái tạo, đất canh tác bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Lượng khí thải do đốt gạch đã và sẽ càng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai chương trình VLXKN hiện nay?

- Tôi cho rằng chương trình VLXKN có nhiều thuận lợi khi triển khai thực hiện. Với những tính năng ưu việt như tiết kiệm được tài nguyên than, đất sét nung, thân thiện với môi trường… thì đây là sản phẩm sạch, có xu thế phát triển bền vững. Sử dụng VLXKN cũng là xu hướng chung của thời đại. Chương trình VLXKN được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hưởng ứng. Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (gọi tắt là chương trình 567); đến tháng 4/2012, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 10 về việc Tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Công nghệ sản xuất VLXKN ngày càng chuẩn hóa với công nghệ tiên tiến, năng suất cao…

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước nên khối lượng xây dựng nói chung và vật liệu xây nói riêng giảm thiểu so với những năm trước. Thêm nữa, do đây là sản phẩm mới nên các cấp chính quyền, chủ đầu tư, các nhà tư vấn, thiết kế và người dân chưa quen sử dụng. Thói quen sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung đã có từ ngàn năm nay không dễ thay đổi.

Bộ Xây dựng đã có những chính sách gì để thực hiện hiệu quả chương trình VLXKN, thưa ông?

- Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Các hướng dẫn trong thông tư này sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện chương trình 567 dễ dàng và thống nhất. Đối tượng áp dụng trong thông tư bước đầu là đối với những dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Tôi cho rằng, khi đã tạo được thói quen sử dụng VLXKN thì việc phát triển ra các dự án có vốn ngoài nhà nước sẽ dễ dàng hơn. Việc ra đời Thông tư 09 cũng cho thấy, nếu chỉ áp dụng các biện pháp tuyên truyền không là chưa đủ mà cần có những biện pháp hành chính cụ thể.

Thị trường VLXKN hiện đang rất khó khăn, ông có khuyến cáo gì đối với các DN sản xuất sản phẩm này?

- Đối với VLXKN là gạch bê tông khí chưng áp, hiện nay công suất đã đáp ứng đủ nhu cầu - kể cả khi nhu cầu thị trường tăng đột biến. Vì vậy không nên đầu tư thêm vào thời điểm này, mà nên củng cố để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các nhà sản xuất gạch bê tông khí chưng áp đã có dịp và điều kiện tìm hiểu kỹ lưỡng về sản phẩm cũng như sử dụng chủng loại VLXD này, ban đầu nên theo sát các nhà thầu xây dựng sử dụng sản phẩm của mình, để góp ý và thậm chí là hướng dẫn để việc sử dụng loại vật liệu mới này đúng yêu cầu kỹ thuật. Có chủ đầu tư và một số nhà thầu xây dựng chưa hiểu hết tính năng cũng như hướng dẫn kỹ thuật đối với gạch bê tông khí chưng áp nên ngại sử dụng, thậm chí có sự tuyên truyền không đúng. Còn gạch xi măng cốt liệu (block bê tông) hoặc các chủng loại VLXKN khác sử dụng nguyên liệu là tro, xỉ hoặc các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương thì vẫn cần được nghiên cứu và đầu tư tiếp. Tuy nhiên hiện nay quan trọng nhất vẫn là tăng cường sử dụng VLXKN bởi thực tế trong hai năm vừa qua cho thấy sản xuất luôn luôn đáp ứng khi có nhu cầu sử dụng.

Ông nhận định như thế nào về thị trường VLXKN năm 2013?

- Theo tôi, năm 2013 kinh tế thế giới vẫn sẽ có những diễn biến khó lường, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Ngành Xây dựng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Vì thế việc sử dụng vật liệu xây có thể vẫn khó khăn, ít nhất là nửa đầu năm 2013. Tuy nhiên, việc sử dụng VLXKN sẽ có chiều hướng tốt lên. Từ tác động của Thông tư 09, cộng với công nghệ, mẫu mã sản phẩm ngày càng tốt lên, thị trường sẽ dần quen với chủng loại vật liệu mới này. Các cơ quan quản lý cũng thấy rõ trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy thực hiện chương trình này. Do đó, theo tôi, năm 2013 tỷ lệ sử dụng VLXKN sẽ tốt hơn năm 2012.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vân Anh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.