Sở QH-KT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét trình Thủ tướng để đính chính sự nhầm lẫn về vị trí nhà máy xử lý nước thải trọng điểm của TP.HCM.

“Nhà máy được quy hoạch tại quận Gò Vấp sao lại xây tại quận 12?” - nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gọi tắt nhà máy XLNT Tham Lương, tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) gần đây liên tục khiếu nại như thế.

Xác định lại vị trí nhà máy

Ngày 26-6, có mặt tại khu vực đã thu hồi đất để xây nhà máy XLNT Tham Lương (giai đoạn 1), chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư đã rào chắn xung quanh và đang thực hiện một số công việc chuẩn bị cho việc xây dựng công trình. Theo nhiều người bị ảnh hưởng, công trình đã được phát lệnh khởi công cách nay đã hai tháng nhưng họ vẫn chưa được giải thích rõ về quy hoạch. Bà Trần Thị Ngọc Hà, một trong những hộ dân đã bị thu hồi đất, phản ánh: “Theo Quyết định số 1942/2014 của Thủ tướng thì vị trí nhà máy đặt ở quận Gò Vấp, thế nhưng họ lại thu hồi đất xây ở khu vực này. Bà con nhiều lần gửi đơn lên quận yêu cầu giải thích nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Người dân chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở dự án này”.

Một số hộ dân khác cho biết thêm họ đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra quận 12 nhưng cũng chưa được giải quyết. Khi tiếp nhận đơn, Thanh tra quận 12 lập biên bản ghi nhận sự việc và hướng dẫn liên hệ Thanh tra TP vì nơi này đang thụ lý. Sau đó, người dân tiếp tục liên hệ Thanh tra TP nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết. Ông Nguyễn Sơn cho biết thêm, ông không đồng tình với việc thu hồi đất (do quy hoạch dự án ở quận Gò Vấp - NV) nên ông đã khởi kiện UBND quận 12 ra tòa. “Vụ án đang được cấp phúc thẩm xem xét nhưng phải tạm hoãn để xác định lại thông tin về quy hoạch, về vị trí của nhà máy xử lý nước thải” - ông Sơn cho biết.

Khu vực đã thu hồi đất để xây nhà máy XLNT Tham Lương. Ảnh: KB

Nhầm lẫn từ trung ương?

UBND quận 12 là đơn vị được giao thực hiện việc thu hồi đất phục vụ xây dựng dự án trên. Tuy vậy, trước những thắc mắc của người dân thì quận cũng không thể giải thích rõ. Bối rối trước yêu cầu của người dân, UBND quận 12 đã đề nghị Sở QH-KT rà soát lại quy hoạch, trình UBND TP xem xét, xử lý vụ việc. Theo quận này, nếu căn cứ theo Quyết định số 752/2001 của Thủ tướng (về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020) thì vị trí nhà máy XLNT Tham Lương nằm ở phường An Phú Đông (quận 12). Nếu theo Quyết định 1942/2014 (về phê duyệt quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai) thì vị trí dự kiến đặt nhà máy lại thuộc địa bàn quận Gò Vấp. “Như vậy vị trí hiện đang thực hiện xây nhà máy XLNT Tham Lương tại phường An Phú Đông là không thống nhất” - UBND quận 12 nhận định thêm.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM (đơn vị được giao quản lý dự án Nhà máy XLNT Tham Lương) cho biết vụ việc đang được Sở QH-KT rà soát để trả lời cho người dân rõ. Theo quy hoạch, nhà máy nằm tại phường An Phú Đông (quận 12) chứ không phải ở quận Gò Vấp. Còn thông tin quy hoạch nhà máy nằm ở Gò Vấp chắc là có sự nhầm lẫn nào đó” - vị này nói.

Trong khi đó, theo Sở QH-KT, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định số 24/2010) thì nhà máy XLNT Tham Lương đặt tại phường An Phú Đông. Tiếp đó, khi Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cũng xác định vị trí nhà máy tại phường An Phú Đông. Tuy nhiên, tại Quyết định 1942/2014 của Thủ tướng lại xác định vị trí nhà máy đặt ở quận Gò Vấp. Đây là sự nhầm lẫn gây ra tình trạng khiếu nại của người dân. Từ đó Sở QH-KT kiến nghị UBND TP xem xét, báo cáo Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có sự đính chính về sự nhầm lẫn này.

Quyết định 1942/2014 của Thủ tướng xác định từ nay đến năm 2030, TP.HCM cần xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhằm góp phần bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nhà máy XLNT Tham Lương nằm ở Gò Vấp, là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có tổng công suất lớn thứ ba (công suất đến 310.000 m3/ngày đêm) của TP.HCM.

Công trình đã được khởi công từ cuối tháng 4-2015, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Phú Điền làm chủ đầu tư. Trước đó, dự án phải giảm diện tích do việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Sau khi chấp thuận nội dung điều chỉnh, UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện ngay việc cắm mốc, điều chỉnh quy hoạch.

Trung Thanh (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.