Hình thành từ những năm 1970 – 1980 của thế kỷ trước, trên cả nước hiện có tới hàng trăm các khu chung cư cũ có tuổi đời từ 30 đến 40 năm. Việc để công trình tồn tại lâu năm, không được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ đã tạo nhiều tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn chịu lực của công trình.
Cần phải kiểm định các chung cư để có những bản đồ cảnh báo sự nguy hiểm của công trình
Trong những năm gần đây, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung, nhà ở nói riêng đã được các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng nhà ở nói riêng và công trình xây dựng nói chung đã từng bước được hoàn thiện, công tác quản lý chất lượng, bảo trì, quản lý, sử dụng nhà ở và công trình xây dựng trên thực tế đã được quan tâm, thực hiện tương đối hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay, tại các đô thị trên cả nước vẫn còn tồn tại nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp. Nhiều công trình bị hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng và thực tế, đã có không ít những sự cố đáng tiếc xảy ra như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến những sự cố đáng tiếc nêu trên là do công trình đã trải qua quá trình sử dụng lâu dài, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều người sử dụng, thiếu sự quản lý chung... Cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình được ban hành trước đây còn chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ, đặc biệt là nguồn vốn, sự quan tâm của các cấp, các ngành dành cho công tác bảo trì, sửa chữa còn thiếu. Cũng chính bởi vậy, việc quản lý, sử dụng cũng như công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực để thực hiện bảo trì, sửa chữa, xử lý đối với các công trình này chưa được kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, ra soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị, Bộ Xây dựng đã xây dựng một quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng theo hướng thống nhất để có thể áp dụng tại tất cả các địa phương. Từ nay đến cuối năm 2016, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các Sở Xây dựng, các địa phương rà soát, đánh giá sơ bộ toàn bộ các công trình cũ tại đô thị và dự kiến đến năm 2017, Bộ sẽ tiến hành kiểm định toàn bộ các công trình cũ nguy hiểm.
Cũng tại chỉ thị số 05, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình trên địa bàn, bao gồm nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị.
Theo co số thống kê, hiện Thành phố Hà Nội có khoảng trên 1.500 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980 và một số công trình được xây dựng từ trước 1954. Trong đó, không ít các công trình đã xuống cấp và hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn chịu lực, đe dọa đến tính mạng của người dân. Tuy nhiên, thực tế đặt ra là việc đánh giá mức độ an toàn của các công trình này đến nay là không hề đơn giản.
Kết quả kiểm tra 1.467 chung cư cũ của cơ quan chức năng đã chỉ ra rằng, không có chung cư nào được xếp loại 1 (loại A), 645 chung cư được xếp loại 2 (loại B), 522 chung cư xếp loại 3 (loại C) và 37 chung cư bị liệt vào loại 4 (loại D). Đáng ngại nhất là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, việc duy tu bảo dưỡng cũng chưa được quan tâm đúng mức…
Sở Xây dựng Hà Nội đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các chung cư cũ trên địa bàn, điển hình như chung cư C8 Giảng Võ , E6 Thành Công với nhiều kết cấu bị lún lệch. Về tình trạng lún nghiêng, han rỉ cốt thép, nứt vỡ bêtông thì xuất hiện nhiều tại khu nhà E6-E7 Quỳnh Mai; A-B Ngọc Khánh; B7-C1- E6-E9-G6A-G6B-G22 Thành Công; B1 Giảng Võ…
Chia sẻ về mối nguy hiểm của những công trình này, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Tôi cho rằng việc kiểm định chỉ là hình thức về kỹ thuật, để phòng ngừa sự nguy hiểm của các chung cư cũ hiện nay. Thực tế các chung cư cũ được xây dựng từ khoảng những năm 1955 trở lại những năm 1098, với những công nghệ xây dựng truyền thống, chưa có nhiều khoa học kỹ thuật, trừ những khu tập thể được xây dựng kiểu lắp ghép như khu Quỳnh Mai, Văn Chương…
Qua nửa thế kỷ hầu hết các toà nhà đều xuống cấp, lún nứt và rất nguy hiểm, do đó cần phải được kiểm định, để cảnh báo mức độ nguy hiểm các tòa nhà này. Công tác kiểm định với mục đích tìm những tòa nhà có mức độ nguy hiểm nhất để chúng ta có hướng cải tạo trước, sau đó là lần lượt đến những khu khác, nhưng không có nghĩa là không phải cải tạo mà vấn đề là sẽ làm trước hay làm sau.
KTS.Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng: Hiện nay hầu như các chung cư cũ đều được buông lỏng quản lý kéo dài, đặc biệt sau khi các chung cư này được cấp sổ đỏ cho chủ nhân các căn hộ. Do đó tại các chung cư cũ hạ tầng rất kém, cấp nước yếu, thoát nước càng kém, nhà bị lún nứt không ai lo, đặc biệt là chủ nhân của những căn hộ này hầu hết lại là các cụ cao niên, không dư giả về kinh tế. Do vậy việc kiểm định các chung cư cũ là một việc bắt buộc để có những cảnh bảo, đối với những chung cư nguy hiểm nhằm tháo thế khó trong việc kêu gọi đầu tư, cải tạo, mà ở đó Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo.
Vũ Chiến (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.