Thực tế, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng thường xoay quanh vấn đề diện tích chung, diện tích riêng, chất lượng công trình cũng như thiết bị bên trong căn hộ, quảng cáo không đúng sự thật, ....
Vài năm trước, khi thị trường bất động sản (BĐS) đang sôi động, chủ đầu tư và người dân thường “đồng hành” cùng nhau. Thế nhưng, khi thị trường có dấu hiệu “chững” và bắt đầu lao dốc thì mối quan hệ “khăng khít” trước đây dần bị “phai nhạt”, thậm chí còn tạo ra nhiều mâu thuẫn và xung đột.

Mâu thuẫn kéo dài dễ tạo xung đột ?

Thực tế, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng thường xoay quanh vấn đề diện tích chung, diện tích riêng, chất lượng công trình cũng như thiết bị bên trong căn hộ, quảng cáo không đúng sự thật, .... Thêm nữa, vấn đề giữa việc quản lý, sử dụng và vận hành chung cư thường tạo ra áp lực đối với ban quản trị tòa nhà và cư dân. Những mâu thuẫn này thường bị kéo dài khiến sự bức xúc giữa hai bên ngày càng tăng, có thể xảy ra xung đột bất kỳ lúc nào.

Chuyện xảy ra với ông Nguyễn Thế Dân chiều 8-1-2014 vừa qua là một ví dụ điển hình về hệ lụy từ những mâu thuẫn kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Vụ việc tuy chưa gây hậu quả chết người nhưng nó khiến cư dân tòa nhà chung cư 102 Thái Thịnh hết sức bất bình về hành vi côn đồ đó.

Trước đó, ngày 26-10-2013, hàng trăm khách hàng của dự án chung cư Đại Thanh đã tập trung trước sàn giao dịch Mường Thanh (ở đường vành đai 3, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để phản đối việc chủ đầu tư đã giao nhà thiếu diện tích, chưa đủ điều kiện bàn giao. Đồng thời, đề nghị được đối thoại với chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh.

Đáng nói, trong khi chờ đối thoại, những khách hàng này đã bị một nhóm người lạ mặt xông vào ngăn cản, thu hồi và ngăn cấm việc quay phim, chụp ảnh. Không những thế, họ còn xua chó và xịt hơi cay, xịt sơn vào những khách hàng này. Sự việc càng trở nên căng thẳng khi một số khách hàng bị đánh.

Đây chỉ là hai trong những sự việc đáng tiếc đã xảy ra do những mâu thuẫn kéo dài giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Khách hàng nhiều lần tìm đến chủ đầu để trao đổi và thống nhất phương án giải quyết nhưng họ chưa nhận được câu trả lời từ phía Cty Capitaland Hoàng Thành với lý do lãnh đạo đi vắng. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Khách hàng không phải là “thượng đế”

“Tôi đã hẹn đến gặp Cty nhiều lần nhưng họ luôn từ chối hoặc tìm cách lánh mặt. Lúc nào cũng đưa ra những lý do như sếp đi vắng hoặc sẽ ghi nhận để báo cáo lại. Thế nhưng vẫn bặt vô âm tín”, anh Nguyễn Huy Việt, khách hàng mua nhà tại dự án Mulberry lane (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông), bức xúc nói.

Theo anh Việt, mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư đang ngày càng căng thẳng, nhất là khi có văn bản phúc đáp của ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, về một số điểm sai phạm của Cty Capitaland-Hoàng Thành (thuộc tập đoàn Capitaland – một trong những tập đoàn BĐS lớn nhất châu Á).

Sáng 9-1-2014 vừa qua, tập thể khách hàng mua nhà ở dự án này đã cùng nhau kéo lên trụ sở làm việc của Cty để gặp chủ đầu tư theo lịch hẹn trước đó. Vậy nhưng, chủ đầu tư lại không có mặt mà chỉ có một số nhân viên văn phòng của Cty, những người chưa nhận được sự ủy quyền trong việc giải quyết.

Đáng nói, trong khi nhân viên Cty trả lời là “sếp” đi vắng thì một số khách hàng lại thấy ông Nicolas Tan, TGĐ phía Bắc của Cty Capitaland Việt Nam – là một bên liên doanh trong Cty Capitaland Hoàng Thành, đang ngồi uống nước ở ngay tầng một tòa nhà Hanoi Tower. Khách hàng bức xúc trước cách làm việc và thái độ “thờ ơ” của chủ đầu tư. Họ cho rằng, Cty Capitaland Hoàng Thành đang tìm mọi cách “thoái thác” và “né” trách nhiệm trả lời khách hàng.

Bà Ngô Hồng Minh, khách hàng mua nhà ở Mulberry lane: “Chúng tôi đang phải chạy theo chủ đầu tư chứ không phải là “thượng đế”. Tôi đã gửi rất nhiều thư đến Cty nhưng họ chỉ trả lời một cách chung chung, chẳng căn cứ theo điều khoản hay quy định nào cả. Như việc đề nghị làm rõ 7 vấn đề mà Chánh thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra thì họ chỉ nói là Cty đã làm đúng quy định của pháp luật trong khi không viện dẫn được bất cứ văn bản quy định hiện hành nào”.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, có những mâu thuẫn rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết và xử lý triệt để có thể gây ra hậu quả rất lớn. Đáng lẽ, khi có những thông tin về một số sai phạm của chủ đầu tư thì cơ quan chức năng nên vào cuộc để giải quyết một cách triệt để, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Trong vụ đánh người ở trước sàn giao dịch Mường Thanh hay ở sân chung của tòa nhà chung cư 102 Thái Thịnh có trách nhiệm rất lớn từ phía cơ quan chức năng. Nếu như họ quyết liệt hơn trong việc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện những chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng,... thì đã không có xung đột xảy ra.

“Người dân sẽ không thực sự tin tưởng vào pháp luật cũng như các cơ quan chức năng nếu như họ không xử lý triệt để và dứt điểm một số sai phạm của chủ đầu tư”, ông Tuấn nhận định.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát, cũng cho rằng, những sai phạm trong một số dự án được dư luận và báo chí nêu khá nhiều. Thế nhưng, việc giải quyết lại bị “ách tắc” bởi một số lý do nào đó(?). Điều này thực sự rất “nguy hiểm” bởi người dân sẽ mất niềm tin vào cơ quan chức năng cũng như hệ thống luật pháp. Đồng thời, chủ đầu tư đó sẽ càng “nghênh ngang” và “hống hách”, thách thức không chỉ dư luận mà cả các cơ quan thực thi pháp luật.

Các cơ quan chức năng cần sát sao hơn nữa trong vấn đề giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của người dân, đặc biệt là của những khách hàng mua nhà với chủ đầu tư. Đồng thời, cần phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật: Ai sai phạm thì phải chịu phạt (?). Làm được vậy, những sự việc đáng tiếc mới không xảy ra, xã hội mới có thể phát triển một cách công bằng và bền vững.
Nguyễn Tuấn (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.