CafeLand - Ngoài khu du lịch Đại Nam, Công ty của ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) hiện đang là chủ đầu tư nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, trong đó có khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3. Theo thông tin truyền thông, khối tài sản khổng lồ của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Khu du lịch Đại Nam - một trong những công trình quy mô do Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam làm chủ đầu tư.

Sau khi bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé), vốn là Xí nghiệp Quốc doanh sơn mài Thành Lễ, sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Đại gia Dũng“lò vôi” bắt tay vào dự án và khởi điểm là khu công nghiệp Bình Đường tọa lạc tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Khu công nghiệp này có diện tích 16,5ha với tổng vốn đầu tư 16,56 tỷ đồng đã đi vào hoạt động từ năm 1994. Hiện nay diện tích đất đã cho thuê lại tại khu công nghiệp này là 13,71 ha; đạt tỷ lệ lấp kín: 97,38%.

Tiếp sau đó là Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178,01ha, tổng vốn đầu tư 245,1 tỷ đồng, toạ lạc tại Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cũng từ đây, Dũng “lò vôi” trở thành cái tên nổi bật trong giới đầu tư tại Bình Dương và các khu công nghiệp do ông làm chủ đều được nhà đầu tư đón nhận nhiệt liệt, đem về lợi nhuận khổng lồ đồng thời mở ra bộ mặt mới cho kinh tế Bình Dương thời kỳ mở cửa.

Đến năm 1996, ông Dũng thành lập Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam và là Chủ tịch HĐQT công ty này. Doanh nghiệp này đang nắm trong tay nhiều bất động sản quy mô lớn như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…

Theo VnExpress, hiện Công ty cổ phần Đại Nam có 3 cổ đông với tổng số 207.000 cổ phần, trong đó ông Huỳnh Uy Dũng sở hữu gần như toàn bộ với 206.842 cổ phần. 2 cổ đông còn lại là bà Nguyễn Phương Hằng - vợ ông Dũng và ông Nguyễn Hữu Phước - Phó tổng giám đốc Công ty đều nắm giữ 79 cổ phần.

Với tổng diện tích hơn 700 ha, khu du lịch Đại Nam có đủ cả biển, hồ, sông, núi và tường thành, với dụng ý làm toát lên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Ngoài ra, tại khu du lịch còn có nhiều hạng mục quan trọng khác sẽ xây dựng như Việt Nam thu nhỏ rộng 30ha, thể hiện vẻ đẹp về thiên nhiên cũng như phản ánh những thành tựu nổi bật của 64 tỉnh, thành trong cả nước và những hình ảnh giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam.

Khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 279,27 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 423,28 tỷ đồng, trong đó diện tích cho thuê lại đạt 209,98 ha.

Khu công nghiệp Sóng Thần 3 có quy mô và diện tích lớn hơn cả. Tổng diện tích của khu công nghiệp này là 533,846 ha với tổng vốn đầu tư 935,945 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động từ năm 2008. Một phần đất trong khu công nghiệp (hơn 71 ha) là đất hành chính – dịch vụ, kho bãi và khu ở. Trong đó, hơn 61/71 ha này là khu ở.

Giữa năm 2008, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khi đó là ông Trần Văn Lợi có quyết định cho phép công ty Đại Nam thay đổi thời hạn sử dụng đất khu ở thành đất ở, với thời hạn giao đất là lâu dài. Phần đất này được chính quyền cấp sổ đỏ đất ở theo quy định.

Công ty Đại Nam phân ra hơn 2.600 lô đất (khoảng 32 ha) và chuyển nhượng cho nhân viên của mình. Tuy nhiên với sự thay đổi này, chính quyền Bình Dương đã không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Cho rằng mình bị thiệt hại vì quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng đã làm “đơn tố cáo” gửi Thủ tướng và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Diệu Trang (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.