Hiện nay, công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, khó xử lý triệt để.
đất vàng bỏ hoang
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, cái khó trong quá trình thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư có sử dụng đất trong những năm qua là do hầu hết các tổ chức sử dụng đất bị thanh tra không hợp tác hoặc chậm cung cấp hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan. Trong khi đó, các quy định tại Nghị định số 105 /2009/NĐ - CP của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không rõ, thiếu cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý vi phạm; khung xử phạt các lỗi vi phạm thấp, không có tác dụng răn đe; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập.

Hơn nữa, cơ chế tài chính trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất do vi phạm chưa có cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai. Việc theo dõi, đôn đốc hoặc tái kiểm tra các chủ đầu tư thực hiện các quyết định ra hạn, xử phạt cũng như việc khắc phục vi phạm, thu hồi đất vi phạm còn hạn chế. Điều này một phần do lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành còn thiếu so với khối lượng cần phải xử lý, dẫn đến tiến độ thanh tra, xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn chỉ rõ sự phối hợp chưa đồng bộ, kịp thời và còn chồng chéo giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong thanh tra, xử lý các vi phạm đất đai.

Theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để tập trung thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, xử lý các dự án đất vi phạm, thành phố cần đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để xem xét các dự án phải dừng triển khai chờ quy hoạch trong thời gian qua, nếu không phù hợp quy hoạch đề nghị thu hồi.

Đối với dự án đã hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng nhưng chậm tiến độ thực hiện dự án (nguyên nhân do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế), đề nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các ngành đề xuất các giải pháp phù hợp, đảm bảo khai thác quỹ đất có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời thành phố giao Sở Tài chính sớm ban hành hướng dẫn tháo gỡ về cơ chế tài chính việc bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất trong quá trình lập hồ sơ và thực hiện thu hồi đất đối với các dự án vi phạm Luật Đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Sở đã chủ trì kiểm tra, rà soát 45 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn 8 quận, huyện do HĐND thành phố Hà Nội trực tiếp giám sát. Kết quả, 2 dự án có biện pháp tự khắc phục vi phạm được thành phố đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 18 dự án đã có kết luận thanh tra báo cáo thành phố và đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục; 9 dự án vi phạm Luật Đất đai, Sở đã trình thành phố ban hành 11 Quyết định thu hồi đất vi phạm; 02 dự án vi phạm Luật Đất đai đang kiến nghị thành phố quyết định thu hồi đất với diện tích gần 13.000m2; 13 dự án hiện tiến hành xong công tác thanh tra, dự thảo kết luận để báo cáo thành phố xử lý theo quy định.

Đối với 170 dự án được tổng hợp trên địa bàn các quận, huyện còn lại theo kiến nghị của Thường trực HĐND thành phố, Sở đã thành lập 2 đoàn thanh tra, xử lý vi phạm pháp Luật Đất đai. Đến nay, 21 dự án được thành phố chỉ đạo khắc phục sau thanh tra; 8 dự án đã hoàn thành công tác thanh tra, đang dự thảo kết luận báo cáo thành phố xử lý; 101 dự án Sở đã lập danh sách và có quyết định thành lập Đoàn thanh tra tổ chức thanh tra; 39 dự án Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra.

Qua kết quả thanh kiểm tra thực tế trên, 9 tháng đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập hồ sơ thu hồi đất vi phạm, trình UBND thành phố quyết định thu hồi đất đối với 12 dự án với diện tích thu hồi gần 970ha đất. Ngoài ra, Sở đã có kết luận thanh tra và đề nghị thành phố chỉ đạo lập hồ sơ đất đối với 3 dự án, diện tích 33.921m2 đất./.

Minh Nghĩa (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.