Chiều 22-7-2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn và các đơn vị liên quan đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi “vướng” ở các nhánh rẽ

Theo Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án đi qua 3 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn 12 huyện, 43 xã với chiều dài 139,2 km; tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.127ha. Nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến TP Đà Nẵng đối với dự án này được nêu tại cuộc họp. Điểm nổi lên là tuyến chính không còn vướng nhưng tính ra đến nay vẫn còn vướng GPMB 202 hộ, trong đó 135 hộ trên mặt bằng thi công các nhánh rẽ của nút giao, 67 hộ nằm rải rác trong lòng nút. Điều đáng nói là trong số đó có nhiều hộ dân đã nhận 80% cho chi phí đền bù từ 2014-2015 nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho DA.

Vấn đề xây dựng các khu tái định cư tại Đà Nẵng được quy hoạch phục vụ Dự án đường cao tốc cũng được đưa ra bàn thảo để tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết dứt điểm. Hiện 3 khu TĐC Hòa Nhơn, Hòa Thọ, Lệ Sơn 1 cũng đang được gấp rút xây dựng để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án. Đến nay, số lô TĐC đã duyệt tại 3 khu: 1.014 lô với tổng kinh phí 234,2 tỷ bao gồm cả xây lắp và GPMB. Khối lượng thi công cho đến thời điểm hiện nay đã xong khu TĐC Hòa Nhơn, 2 khu TĐC Hòa Thọ và Lệ Sơn 1 đã cơ bản xong nền và chuẩn bị rải nhựa mặt đường nội bộ đạt 90%.

VEC đã ứng kinh phí xây dựng các Khu TĐC 93,4 tỷ đồng, trong đó xây lắp 75,6 tỷ đồng. TP Đà Nẵng duyệt đầu tư xây dựng có dự phòng thêm số lô với tổng quy mô xây dựng theo thiết kế là 1.014 lô, vượt 27,3% so với thống kê nhu cầu ban đầu. Ngoài ra, TP cũng áp dụng cơ chế “mở” cho dân lựa chọn phương án nhận suất đầu tư hạ tầng để tự lo đất hoặc nhận đất TĐC, dẫn đến số lô TĐC đã xây dựng theo quy hoạch bị thừa rất nhiều; thậm chí đến nay vẫn chưa chốt được tổng số lô TĐC sẽ giao cho dân. VEC đề nghị Đà Nẵng sớm làm rõ nhu cầu hộ dân nhận tiền hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng hoặc nhận đất TĐC để xác định số lô đất TĐC cần thiết cho dự án để VEC ứng tiếp kinh phí xây dựng.

Liên quan đến Dự án La Sơn-Túy Loan, VEC và BQLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hai bên đã họp thống nhất: Giữ nguyên thiết kế kỹ thuật dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; điểm đấu nối 2 dự án tại Km 0+800, BQLDA đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm GPMB bổ sung và vuốt nối điểm giao với chính tuyến và các nhánh B1, D2. VEC thực hiện đầu tư xây dựng nút giao theo quy mô giai đoạn 1 của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. VEC đề xuất tại cuộc họp là tổng nhu cầu vốn cho công tác GPMB 694 tỷ đồng; nguồn vốn đối ứng đã bố trí đến nay là 211 tỷ đồng. VEC đã ứng trước bằng nguồn vốn của mình cho Đà Nẵng 292 tỷ đồng và đề nghị Bộ GTVT có phương án ưu tiên bố trí vốn cho dự án, trước mắt cần 134 tỷ đồng để hoàn thành 3 khu TĐC. Các ý kiến phát biểu giữa lãnh đạo Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng đã đi đến thống nhất nhiều vấn đề liên quan đến công tác GPMB, đền bù giải tỏa, bố trí TĐC, xây dựng các đương gom dân sinh tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân khi đường cao tốc được đưa vào hoạt động.


Các đại biểu dự họp giữa Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: P.K

Tập trung giải phóng mặt bằng dự án sân bay Phan Thiết

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng làm việc với tỉnh Bình Thuận về việc triển khai dự án sân bay Phan Thiết. Hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện đang được đẩy nhanh thực hiện để đảm bảo tiến độ thi công dự án quan trọng này. Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích xây dựng 542 ha, chi phí đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết). Đây sẽ là sân bay dân dụng và quân sự kết hợp, có chức năng phục vụ bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn...

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện đang được cơ quan chức năng đẩy nhanh thực hiện để đảm bảo tiến độ thi công. Theo báo cáo, tổng diện tích đất thu hồi là 542 ha; có tổng cộng 57 hộ và 6 tổ chức có đất bị thu hồi. Đến nay, cơ quan chức năng đã thực hiện việc kiểm kê đối với 57/57 hộ và 6/6 tổ chức; thông qua Hội đồng bồi thường đối với 41/57 hộ và 5 tổ chức; đã bàn giao 386 ha/542 ha mặt bằng. Hiện đối với hạng mục hàng không dân dụng và phần quân sự, đơn vị tư vấn đã thực hiện xong công tác khảo sát địa hình, địa chất để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật; dự kiến lập xong hồ sơ, hoàn tất thủ tục trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 8-2016.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Sân bay Phan Thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Việc đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết bằng hình thức BOT phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công của cả nước đang thực hiện, đây cũng là bước đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải và hàng không. Để hoàn thành tiến độ xây dựng đề ra, các đơn vị cần tập trung giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai thi công từ tháng 9-2016.

Khi đưa vào sử dụng, sân bay Phan Thiết sẽ nối các chuyến bay từ Phan Thiết đi Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng...; hành khách đến Phan Thiết – Bình Thuận chỉ trong khoảng thời gian ngắn thay vì phải mất nhiều thời gian đi bằng đường bộ như hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng để Bình Thuận phát triển đột phá trong tương lai. Dự kiến, sân bay Phan Thiết sẽ hoàn thành tổng thể công trình vào tháng 11-2018.

Phương Kiếm - Nguyễn Thanh (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.