25/07/2015 8:56 PM
“Khe hở nhà đất” có làm thất thoát công sản trong quá trình chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần?

Khi cổ phần hóa, hơn 6 héc ta kho bãi của cảng Nha Trang tại số 01A đường Phước Long, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, đã được làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng để xây trung tâm thương mại, khách sạn... Ảnh: UYÊN VIỄN

Ủng hộ cổ phần hóa

Từ ngày 10-8-2015 tới, các đơn vị sự nghiệp công lập (trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) sẽ phải chuyển đổi thành công ty cổ phần, nếu tự đảm bảo được kinh phí hoạt động và thuộc danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng.

Nội dung trên nằm trong Quyết định số 22 của Thủ tướng về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (có loại trừ các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo).

Quyết định cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành ngay sau khi Chính phủ có nghị định quy định cơ chế tự chủ cho các đơn vị này (hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo). Phải chăng Chính phủ muốn trút nhanh gánh nặng ngân sách và [đồng thời] mở ra cơ hội cho các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sở hữu để phát triển?

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới các đơn vị sự nghiệp, ngày 10-4-2015, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tiết lộ một con số “giật mình”: trong tổng số gần 8 triệu người hưởng lương ngân sách có khoảng 2 triệu người trong khối sự nghiệp công lập, chiếm 38% tổng quỹ lương.

"Đã có không ít doanh nghiệp khi cổ phần hóa có phương án sử dụng đất phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng nhưng sau khi cổ phần xong, họ thường xin chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất sản xuất kinh doanh thành đất ở, thương mại, để thu lợi."

Quan trọng hơn là các đơn vị sự nghiệp công lập đang có xu hướng tăng nhanh về số lượng (năm 2007 có 63.054 đơn vị, năm 2012 tăng lên 69.735 đơn vị - theo Tổng cục Thống kê) và phình to về biên chế (do không có động cơ cắt giảm chi phí mà chỉ cần giải trình xin ngân sách); trong khi chất lượng dịch vụ thì yếu kém - không có động lực cải thiện - vì được bao cấp hoặc độc quyền.

Chưa hết, hiện tượng giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập (theo khung giá nhà nước) thường dưới giá thị trường (đảm bảo sự tiếp cận của người nghèo) hoặc cao hơn giá thị trường (nhờ độc quyền). Do đó, Nhà nước phải bù lỗ cho những dịch vụ có giá thấp, vô hình chung người giàu có cũng được bao cấp (như dịch vụ y tế, giáo dục). Ngược lại, các dịch vụ độc quyền (như vé tàu lửa) thì giá quá cao...

Cho nên, có thể thấy, nếu cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập không những ngân sách nhà nước (trả lương cho khu vực này) được giảm tải rất nhiều mà còn giúp cho giá cả các dịch vụ công trở về với giá thị trường (không quá cao, cũng không quá thấp), đồng thời mở ra cơ hội cho các đơn vị này cải tổ và phát triển.

Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao Quyết định số 22 chỉ cho cổ phần hóa những đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo được kinh phí hoạt động? Sao không cổ phần hóa cả các đơn vị đang hoạt động trong điều kiện thu không đủ chi.

Vấn đề ở đây là khi giá dịch vụ của những đơn vị sự nghiệp công lập được tính đúng, tính đủ thì Nhà nước cần phải có cơ chế hỗ trợ cho người nghèo.

Cần bít “khe hở nhà đất”

Theo Quyết định số 22, các đơn vị sự nghiệp công lập khi cổ phần hóa “được ký lại các hợp đồng thuê đất, thuê nhà cửa, vật kiến trúc của các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai, tài sản”; nhưng phải xác định lại giá trị thực tế của quyền sử dụng đất theo điều 1.6 Nghị định 189 (2013) về giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Cụ thể, toàn bộ đất mà các đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý khi cổ phần hóa phải có phương án sử dụng đất (phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng) trình cơ quan có thẩm quyền xem xét (quyết định trước khi thực hiện xác định giá trị của đơn vị). Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định về giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã có khe hở. Đó là có không ít doanh nghiệp khi cổ phần hóa có phương án sử dụng đất (phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng) nhưng sau khi cổ phần xong, họ thường xin chuyển mục đích sử dụng đất (từ đất sản xuất kinh doanh thành đất ở, thương mại) để thu lợi, tất nhiên họ có đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất cho Nhà nước.

Đây là một thực tế mà dường như chưa có giải pháp để bít khe hở này. Liệu khi tiếp tục áp dụng quy định này để cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, khe hở này có được tận dụng?

Những bài học từ thực tế

Năm 2006, thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, Công ty Dệt may Thắng Lợi Vigateco (100% vốn Nhà nước) bán phần lớn vốn cho tư nhân để chuyển thành Công ty cổ phần Dệt may Thắng Lợi. Nhà nước không còn giữ vốn chi phối (chỉ còn 10%), quyền quyết định rơi vào tay tư nhân và tư nhân có quyền tái cơ cấu doanh nghiệp theo ý của họ...

Cho nên, đầu tháng 6-2015, Công ty cổ phần Dệt may Thắng Lợi bất ngờ “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản khi cho biết sẽ đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng để xây dựng một khu dân cư thương mại hỗn hợp trên khu đất 15,7 héc ta tại số 2 Trường Chinh mà công ty này thuê của Nhà nước để phục vụ vào mục đích “sản xuất kinh doanh”.

Như vậy, nếu dự án này được thực hiện, có nghĩa mục đích sử dụng đất của 15,7 héc ta tại 2 Trường Chinh sẽ được chuyển đổi (từ đất sản xuất kinh doanh sang đấtt ở, thương mại) và giá trị của khu đất sẽ tăng lên rất nhiều lần. Vậy khoản giá trị gia tăng từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất này sẽ rơi vào tay ai cũng đã rõ!

Tương tự, trường hợp cổ phần hóa Cảng Nha Trang cũng vậy. Khi cổ phần hóa, hơn 6 héc ta đất kho bãi của cảng này tại 01A đường Phước Long, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang được xác định là đất kho bãi nhưng sau cổ phần hóa thì Công ty cổ phần Cảng Nha Trang đã làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng diện tích đất kho bãi nói trên để xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng, trung tâm hội nghị, trung tâm thể thao, du lịch... để phục vụ cho chiến lược kinh doanh mới.

Quang Chung (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.