CafeLand – Sau một thời gian dài khủng hoảng triền miên, thị trường bất động sản dường như đã nguội lạnh và teo tóp đi nhiều. Minh chứng cho thực trạng trên là việc hàng loạt “đại gia” tuyên bố rút chân khỏi “mỏ vàng” bất động sản hay chí ít cũng là co cụm, cơ cấu chặt chẽ lại danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, ở một mặt khác của thị trường vẫn có một số nhà đầu tư “đánh hơi” được cơ hội trong lúc khủng hoảng đẩy mạnh đầu tư vào “chảo lửa” mà người khác đang co chân rút chạy.

Thị trường bất động sản vẫn là một thị trường có nhiều cạm bẫy, lợi nhuận kỳ vọng luôn đi liền với rủi ro. Ảnh: N.Khôi

Trước tiên, sự kiện gây chú ý trong giới bất động sản suốt thời gian dài qua và vẫn liên tục được nhắc đến trên khắp các mặt báo chính là việc rút dần khỏi thị trường bất động sản trong nước của ông chủ HAGL - Đoàn Nguyên Đức. Thực tế, suốt từ vài năm qua thì tỷ lệ bất động sản cũng đã giảm mạnh trong cơ cấu đầu tư của Tập đoàn này và hiện nay thì dường như cuộc "tháo chạy" càng diễn ra rốt ráo hơn. Dòng tiền của HAGL đã chuyển hướng vào những ngành chủ lực khác như: mía đường, cao su, bất động sản ngoại...

Một "đại gia" khác vốn một thời làm mưa làm gió trên thị trường bất động sản là Vinaconex cũng đã có động thái thoái vốn khỏi thị trường qua việc mời gọi chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh cũng như quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng phần vốn tại Công ty CP Vinaconex Xuân Mai. Đầu năm 2013, công ty này cũng đã chuyển nhượng thành công cổ phần tại Công ty CP Vinaconex E&C.

Theo quan sát, cuộc "tháo chạy" của hàng loạt đại gia bất động sản đã khởi động từ cuối năm ngoái và kéo dài đến nay, trong đó "ông lớn" Vina Capital cũng không ngoại lệ. Công ty này đã thoái vốn hoàn toàn khỏi 10 dự án và có 1 dự án thoái vốn một phần trên tổng số 36 dự án của công ty.

Mới đây, hàng loạt tập đoàn lớn như EVN, VNPT, Vinalines... cũng đồng loạt tuyên bố thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành trong đó chiếm tỷ lệ không nhỏ thuộc về bất động sản.

Thực tế khó khăn đã khiến hàng loạt chủ đầu tư tháo chạy như thế nhưng thị trường bất động sản vẫn không thiếu những cuộc đổ bộ rầm rộ của nhiều ông chủ mới đến từ trong lẫn ngoài nước. Nổi đình nổi đám trong đó là thương vụ quỹ đầu tư cá nhân của Warburg Pincus đầu tư 200 triệu USD mua khoảng 20% cổ phần Vincom Retail.

Vừa qua, trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013, Ôtô Trường Hải cho biết đã đầu tư 30% vốn vào Công ty Địa ốc Đại Quang Minh với tổng giá trị là 909 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các ngành chăn nuôi, du lịch, cơ khí,... tại Hà Nội cũng tranh nhau làm đơn xin dự án nhà thương mại trong khi nguồn cung của phân khúc này tại thủ đô đã dư đến hàng ngàn căn hộ. Trong đó, một số doanh nghiệp có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Lắp máy tại phường Phú Thượng, Công ty Cổ phần Chế biến sản phẩm chăn nuôi Hà Nội, Công ty Phát triển du lịch Long Biên...

Với bất cứ người kinh doanh nào, triết lý tìm kiếm cơ hội trong lúc khủng hoảng chưa bao giờ là lỗi thời. Do đó, việc lấn sân của hàng loạt doanh nghiệp vào bất động sản đã minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn chưa khi nào nguôi của “mỏ vàng” màu mỡ này. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là một thị trường có nhiều cạm bẫy, lợi nhuận kỳ vọng luôn đi liền với rủi ro.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.