21/09/2018 10:07 AM
CafeLand – Thuật ngữ này ra đời bởi Cara Greenberg, bà đã sử dụng nó để đặt tựa đề cho cuốn sách của mình “Mid-Century Modern: Furniture of the 1950s”. Mid-century là phong cách được hình thành từ những năm 1940 – 1970 của thế kỷ trước, là sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa nét tự nhiên và hiện đại. Nói cách khác, phong cách này là sự pha trộn giữa thiết kế hiện đại cộng hưởng một chút cổ điển từ thiên nhiên.

Nội thất

Mid-century lấy cảm hứng từ các đường nét nghệ thuật những năm 1950, kết hợp với phong cách thiết kế thời điểm cận hiện đại nhằm tạo ra một tổng thể đậm màu cổ điển phảng phất chút hiện đại. Đồ nội thất mang phong cách này được ví như những tác phẩm nghệ thuật, ví dụ như bàn tulip, ghế womb,…

Hình thức nội thất mid-century thường được nhận biết dễ dàng bởi đường nét mạnh mẽ và điểm nhấn cong mềm mại ở các góc, hiếm khi nhấn nhá ở các chi tiết trang trí phụ cầu kỳ hay họa tiết trên vải, nệm.

Mid-century luôn hướng tới những thiết kế nội thất tối giản. Mọi chi tiết phức tạp, rườm rà không cần thiết đều được bỏ qua. Có một điều quan trọng mà bạn cần ghi nhớ là nên chọn những đồ nội thất nhỏ gọn nhưng phải gấp đôi được công năng sử dụng. Ví dụ như hệ thống tủ, kệ âm tường hoặc bàn, ghế vừa có công năng để ngồi vừa có thể dùng để trang trí.

Bạn nên tập trung chọn ra những vật dụng cần thiết nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu sống thường ngày của bản thân và gia đình, tránh sắp xếp quá nhiều vật dụng nội thất làm rối không gian hoặc mất cân đối mảng màu chủ đạo. Việc sử dụng một cái bàn lớn trong phòng ăn thông suốt với phòng khách hay tìm cách cơi nới về mặt thị giác cho không gian phòng khách, hoặc lắp thêm kính để tạo hiệu ứng “đón ánh sáng” cũng là một nét đặc trưng của phong cách mid-century.

Thông thường, kích thước và giá bán của các món đồ nội thất theo phong cách này khá đồ sộ, thuộc dòng cổ xưa và rất đắt đỏ, vì thế những người theo đuổi phong cách này phải có thu nhập cao. Cũng chính vì vậy, lối kiến trúc này chỉ được sử dụng phổ biến tại những khu nhà biệt thự có diện tích lớn hoặc các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở các nước phương Tây và một vài quốc gia tiên tiến ở châu Á.

Kết nối thiên nhiên

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, thiên nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thiết kế nội thất nhà ở, mid-century cũng không phải là ngoại lệ. Mảng xanh theo phong cách mid-century thường là các loại cây ưa ẩm, thích bóng tối, được trồng trong bình thủy tinh trong suốt hoặc chậu sứ đặt ở góc phòng. Chúng vừa tạo cho không gian thêm xanh mát, vừa là điểm nhấn cho tổng thể căn phòng.

Ở lối kiến trúc mid-century, những cửa sổ có kích thước lớn nhằm kết nối không gian trong nhà với ngoại cảnh thường đóng vai trò quan trọng. Lắp đặt cửa sổ mái là ý tưởng thiết kế tuyệt vời nhằm đón ánh sáng thiên nhiên và mở rộng tầm nhìn khá tốt.

Ngoài ra, việc sử dụng đồ nội thất hoặc sàn nhà, vách tường với tông màu lấy cảm hứng từ thiên nhiên cũng tạo nên sự kết nối với cảnh quan bên ngoài rất lạ mắt và sinh động.

Và cũng đừng ngần ngại tham khảo những vật liệu được chế tác từ thiên nhiên hoặc mang dáng dấp cổ xưa của những thập niên cuối thế kỷ 19, bởi những vật liệu này sẽ tạo điểm nhấn và khắc họa rõ nét phong cách mid-century trong căn nhà bạn. Điển hình là các vật dụng có xuất xứ từ gỗ tự nhiên, kim loại không pha tạp chất, da hay vải cotton 100%,…

Tông màu chủ đạo

Các gam màu ấm lấy cảm hứng từ tông nâu gỗ nhẹ nhàng là một phần cơ bản trong phong cách mid-century. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng đơn sắc thì không thể tạo nên sự sống động cho căn phòng. Hay nói cách khác, quy tắc phối màu cho lối kiến trúc này là chọn những tông màu trầm, ấm, nhẹ nhàng pha chút sắc sáng, đậm, táo bạo của những tông màu lạnh, màu nổi để làm nổi bật cho không gian nhà bạn.

Nhà thiết kế Brooke Schneider có giải thích rằng, khi nghĩ đến màu sắc của lối thiết kế này, người ta thường nghĩ đến những gam màu tươi sáng của thời kỳ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Những gam màu trầm, kết hợp với tông màu tươi tắn, bắt mắt sẽ gợi cho người khác liên tưởng đến một phong cách sống lạc quan, phóng khoáng. Nói chính xác là có khả năng tạo ấn tượng tốt cho người nhìn về mặt thị giác.

Đừng ngần ngại lựa chọn tông bắt mắt như vàng chanh hay đỏ tươi, bởi việc kết hợp chúng với nền màu trung tính sẽ tạo ra một không gian khá ấn tượng và không kém phần gai góc.

Hoa văn trang trí

Đặc trưng của phong cách này là hướng tới sự đơn giản, sử dụng màu sắc táo bạo, phóng khoáng và tận dụng các yếu tố sẵn có từ thiên nhiên. Các mẫu hoa văn trong phong cách mid-century phổ biến nhất là các khối hình học, các mẫu tranh mang tính tượng hình hoặc những phụ kiện có hình dáng cong, vòm, uốn lượn nhuốm màu cổ xưa có giá trị cao.

Thuật ngữ mid-century modern ban đầu xuất phát từ một nhóm nhỏ những người đam mê thiết kế, giờ đã trở thành phong cách nội thất, kiến trúc mang tính đại chúng. Chúng được lan truyền rộng rãi và trở nên phổ biến từ sau Thế chiến thứ II. Để sở hữu những món nội thất đậm nét mid-century, bạn phải là người am hiểu về kiến trúc đương đại và có sở thích sưu tầm đồ cổ.

Mặt khác, sự dứt khoát trong từng đường nét luôn được nhấn mạnh ở phong cách mid-century. Cụ thể, mọi chi tiết trang trí phụ kiện trong căn phòng đều phải rõ ràng, độc lập, bất tuân với mọi quy tắc sắp xếp và có phần hơi “ngông cuồng, phá cách”.

Thông thường, mid–century ưa chuộng những mẫu họa tiết trừu tượng, bất đối xứng. Đối với mid-century biến thể, người ta thường không sử dụng các yếu tố mộc như gỗ tự nhiên, mà sẽ chuộng các vật liệu hiện đại hơn như nhựa hoặc kim loại giả gỗ. Chúng có giá bán rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ nên ngày nay được rất nhiều người ưa chuộng.

Các loại thảm trải sàn có họa tiết hoặc trơn cũng là một trong những vật dụng nội thất dành cho các tín đồ theo phong cách thiết kế nội thất này. Từ phòng ngủ đến phòng khách hay phòng bếp, căn nhà trở nên mềm mại và thanh lịch hơn nếu bạn biết cách chọn chất liệu và màu sắc, hoa văn của thảm.

Dĩ nhiên, bạn có thể thỏa thích sáng tạo loại và màu thảm theo ý muốn mà không cần tuân thủ theo bất cứ nguyên tắc nào của lối thiết kế mid-century, bởi cơ bản phong cách này ủng hộ cho những tư tưởng phóng khoáng, tự do nhưng nhẹ nhàng phảng phất nét xưa cũ của thập niên năm 50 – 60.

Nếu như bạn tình cờ bắt gặp phong cách mid-century modern ở đâu đó, bạn sẽ thấy thay vì sử dụng những hoa văn trang trí công phu, phức tạp thì nội thất theo phong cách này có khuynh hướng “trần trụi, cũ kỹ” trong kiểu dáng lẫn cách chế tác. Chính điều này là điểm mấu chốt của mid-century đã được truyền lại từ bao thế hệ, ngày càng được biến thể nhưng vẫn giữ được những đặc trưng riêng của bản thân nó.

Ánh sáng

Đèn trong thiết kế mid-century nhấn mạnh vào chi tiết đường thẳng, hình học hoặc đường viền tròn, cong. Nếu đèn có hình dạng khá “kỳ dị” thì bạn nên bố trí ở nơi kín đáo như phòng ngủ hoặc trong toilet.

Hầu hết các loại đèn có chân làm bằng kim loại, nhưng có một số loại dùng chân bằng gỗ. Các mẫu thiết kế đèn trần phổ biến trong phong cách mid-century là những bóng đèn không có chụp ngoài, được gắn trực tiếp vào vách hoặc trần nhà.

Nến cũng là một trong những vật liệu được các nhà thiết kế theo phong cách mid-century khuyên dùng để thắp sáng cho căn nhà. Bạn có thể sử dụng đèn nến như một công cụ thắp sáng thấp thoáng nét cổ điển kín đáo nhưng vẫn điểm tô cho căn nhà thêm lung linh, ấm cúng.

Ngoài ra, ánh sáng thiên nhiên là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện tổng thể căn nhà trong tất cả các phong cách thiết kế, từ hiện đại đến đồng quê, từ phức tạp đến đơn giản. Bố trí cửa sổ và lắp đặt kính để đón ánh sáng vào nhà sao cho hợp lý là điều kiện tiên quyết để sắp xếp nội thất, màu sắc và tỷ lệ không gian căn nhà một cách hoàn hảo.

  • Thiết kế nhà ở theo phong cách Scandinavian

    Thiết kế nhà ở theo phong cách Scandinavian

    CafeLand – Scandinavian không chỉ là tên của một xu hướng, mà còn đề cập đến một phần hoặc cả vùng Bắc Âu, gồm Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Phong cách của những ngôi nhà Scandinavian luôn là chuẩn mực cho sự sang trong, trang nhã của các thể loại thiết kế nhà vùng biển nói riêng và nhà ở nói chung.

Mai Phương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.