Với các cân đối và điều kiện hiện nay, theo người viết, tình huống hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là rất khó xảy ra.
Trong ngày 12/6, tiếp tục có thêm câu hỏi tương tự từ những bạn đọc khác, họ không có mối liên hệ với nhau. Cho nên tình huống trên như một vết dầu đang loang ra, mà không rõ xuất xứ. Và khi có nhiều người tìm hiểu, hẳn có nguyên do nào đó.
Dự trữ bắt buộc được hiểu là số tiền mà các tổ chức tín dụng buộc phải duy trì trên tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước. Đây là một công cụ để nhà điều hành điều tiết cung tiền trong nền kinh tế, “thả ra” hoặc “hút bớt” tiền tùy từng thời điểm và mục đích của chính sách, thường được xem là biện pháp mạnh và cuối cùng.
Hiện nay, với “vết dầu loang” trên, có lẽ cơ sở của nó là mong đợi Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, để tiền ra thị trường nhiều hơn, qua đó một mặt góp phần giảm tiếp lãi suất, một mặt tạo nguồn kích thích tăng trưởng tín dụng vốn đang khó đẩy mạnh.
Nhưng với các cân đối và điều kiện hiện nay, theo người viết, tình huống hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là rất khó xảy ra. Một nguồn tin có thẩm quyền cũng khẳng định: “Tuyệt đối không có chuyện đó!”.
Vậy vì sao khả năng hạ dự trữ bắt buộc vào thời điểm này có tính loại trừ cao?
Như trên, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc là biện pháp mạnh, thường chỉ sử dụng khi quá bức thiết, khi các công cụ khác đã trơ hoặc quá tải. Đã hơn hai năm qua Ngân hàng Nhà nước không dùng đến nó như một công cụ linh hoạt để điều tiết. Mà bằng các công cụ và chính sách khác, nhà điều hành đã cân bằng được an toàn thanh khoản hệ thống, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm được lãi suất về mức thấp.
Đáng chú ý là, ngay cả khi giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc như vậy, nhưng từ trong năm 2013 đến nay, tại nhiều thời điểm, lượng vốn của các tổ chức tín dụng gửi tại Ngân hàng Nhà nước vẫn vượt quá yêu cầu. Nói cách khác, tại nhiều thời điểm và hiện nay hệ thống có hiện tượng thừa vốn. Nếu hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong điều kiện này, chỉ thêm sự vượt quá như vậy mà thôi.
Và dư tiền cũng không có lợi. Trong năm 2013 và nửa đầu 2014 này, cùng với hoạt động mua vào ngoại tệ quy mô lớn, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền trong lưu thông về. Bởi nếu để lượng tiền đồng quá lớn, dư thừa tiền đồng lớn có thể sẽ tạo áp lực lên lạm phát, VND mất giá mà mối quan ngại là biến động tỷ giá USD/VND. Trong bối cảnh này, “thả” thêm tiền ra qua hạ dự trữ bắt buộc là đồn đoán khó thuyết phục.
Còn “đồ” theo cơ sở để có đồn đoán, hạ dự trữ bắt buộc là nhằm tạo thêm điều kiện để hạ lãi suất và kích thích tín dụng. Tuy nhiên, đến nay vấn đề của nền kinh tế, của tăng trưởng tín dụng không còn nặng về lãi suất nữa.
Khoảng hai năm qua lãi suất liên tục giảm nhanh và mạnh. Đến nay, doanh nghiệp tốt có dự án tốt đã có thể vay lãi suất chỉ từ 7-8%/năm, thậm chí một số lãnh đạo ngân hàng từng tuyên bố chỉ 5-6%/năm. Các tổ chức tín dụng cũng đang chịu áp lực lớn về thúc đẩy tín dụng, bởi đây là nguồn sống chính yếu của họ. Nhưng, như nhiều phân tích suốt thời gian qua, vấn đề là sức cầu của nền kinh tế, cùng với khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của nhiều doanh nghiệp yếu đi, môi trường rủi ro tăng lên…
Xét về định hướng điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây, tình huống “đánh úp”, “phanh gấp” hay tạo đột ngột trong điều chỉnh chính sách là đã hạn chế. Ngân hàng Nhà nước thường đưa ra định hướng rõ ràng hơn, có những tín hiệu để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động ứng xử.
Vậy nên, một quyết định điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đưa ra đột ngột như đồn đoán trên, xét trong bối cảnh hiện nay, là khó xảy ra.