Đây là một vấn đề nan giải, bởi Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định về việc giải thích từ ngữ thế nào là hiến đất và thủ tục thực hiện như thế nào.

Hiểu sao cho đúng?

Ngày 8/12/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 3936/STNMT-QLĐĐ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Theo đó, đối với nội dung giải thích từ ngữ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung giải thích các từ ngữ: Thế nào là cải tạo đất, bồi bổ đất; thế nào là hiến đất; thế nào là tự nguyện trả lại đất.

Lý do được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng nêu ra là vì, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự hiến đất, mở đường tách thửa; các cơ sở tôn giáo cũng tương tự là hiến đất để xây dựng cơ sở tôn giáo.

Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện nay chưa có quy định cụ thể trường hợp nào là hiến đất và thủ tục thực hiện như thế nào.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung định nghĩa khu đất (lô đất) gồm 1 thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề nhau, ranh giới xác định theo hồ sơ địa chính đã lập.

Ngoài ra, tại điều 145 quy định việc “thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai”, trong đó tại điểm b, khoản 1 có quy định “hủy hoại đất và đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm”.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị bỏ nội dung này, vì hiện nay không có định nghĩa rõ ràng cụ thể nào về hành vi hủy hoại đất. Điều này gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, xử phạt vi phạm hành chính như đặc thù của các vùng miền thì người sử dụng đất phải san gạt cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình dân dụng,… sẽ làm thay đổi độ cao, độ dốc địa hình trước và sau khi cải tạo.

Do đó, thay vì quy định thu hồi đất đối với trường hợp này thì nên quy định các trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng, thay đổi địa hình để phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình dân dụng phải xin phép. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về trình tự, thủ tục làm cơ sở thực hiện; trường hợp không xử lý đúng quy định sẽ xử lý vi phạm hành chính.

Hiến đất là tặng cho hay tự nguyện trả lại đất?

Liên quan đến vấn đề này, tại Thông báo số 1136/TB-TTr năm 2021, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm liên quan đến việc hiến đất làm đường, tách thửa tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng do các quy định của pháp luật có liên quan còn chưa chặt chẽ.

Từ đó, một số cá nhân lợi dụng việc hiến đất mở đường để hợp thửa, tách thửa, chuyển mục đích và phân lô nhằm mục đích chuyển nhượng để hưởng lợi nhưng không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, các quy định của pháp luật về đất đai chưa chặt chẽ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất. Nếu hiểu “hiến đất” là ''tự nguyện trả lại đất'' thì áp dụng quy định pháp luật là thu hồi đất theo Điều 65 Luật Đất đai năm 2013. Còn nếu hiểu “hiến đất” là “tặng cho” thì áp dụng pháp luật theo khoản 3 điều 79 Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ.

Ngoài ra, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế liên quan đến việc hiến đất làm đường, tách thửa tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng còn xuất phát từ việc Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề xuất về việc hiến đất và đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tại văn bản 7093/UBND năm 2014.

Tuy nhiên, sở này và UBND TP.Bảo Lộc cho rằng các trường hợp hiến đất trên địa bàn thành phố vừa qua là không đúng đối tượng được điều chỉnh tại văn bản của UBND tỉnh. Thế nhưng vấn đề này lại không được đề xuất UBND tỉnh bổ sung vào bộ thủ tục hành chính của tỉnh, thu hồi hoặc ban hành văn bàn khác thay thế.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.