Cụ thể, tính riêng trong tháng 4/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt hơn 1,02 triệu tấn, trị giá 769,8 triệu USD, giảm lần lượt 17% và 14,4% so với tháng trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại đạt hơn 3,9 triệu tấn, trị giá 2,79 tỷ USD, tăng 50,4% về lượng và tăng tới 96,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất của nước ta với 893,4 ngàn tấn, trị giá 488,9 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Campuchia với 473,2 ngàn tấn, trị giá 315,2 triệu USD; thị trường Thái Lan với 207,6 ngàn tấn, trị giá hơn 156 triệu USD,...
Tình hình xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh giá thép thế giới đang tăng cao. Giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục lịch sử vào tháng 4 vừa qua và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Nguồn cung thép tại Mỹ được dự báo vẫn thiếu do chưa có sự cải thiện đáng kể trong cán cân cung - cầu.
Ở châu Âu, xu hướng giá cũng tương tự. Giá thép cuộn cán nóng ngày 30/4 đã lần đầu tiên vượt mức 1.000 EUR/tấn. Các nhà sản xuất thép châu Âu nâng giá chào bán hàng tuần, còn người mua thì lo ngại không mua được hàng nên ưu tiên đảm bảo nguồn cung hơn là thương lượng để giảm giá. Dự báo trong thời gian tới, châu Âu vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, có thể kéo dài tới cuối quý 3 năm nay.
Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn loại được sử dụng nhiều trong ngành xây dựng đã tăng từ mức 660 USD/tấn từ đầu năm lên mức 865 USD/tấn.
Tình hình giá thép trong nước cũng tăng phi mã trong thời gian qua, khiến không ít thầu xây dựng lao đao. Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Công Thương tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và bình ổn giá mặt hàng này.
-
Bộ Công thương nói gì về nghi vấn doanh nghiệp bắt tay tăng giá thép?
CafeLand - Bộ Công Thương cho rằng việc các công ty thép bắt tay nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở.