08/07/2016 1:15 PM
Trong thời gian dài, hàng chục công trình xây dựng không phép của nhiều doanh nghiệp đã mọc lên tại hành lang thoát lũ sông Đáy thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Nơi đây được gọi là “cụm công nghiệp thôn Lại Dụ” với hệ thống nhà xưởng nằm trên diện tích rộng tới 4ha. Mặc dù cả huyện Hoài Đức và xã An Thượng đã yêu cầu các doanh nghiệp này phải tự tháo dỡ, nhưng xem ra mọi việc vẫn rất chậm chạp.

Nhà xưởng và đường bê tông được xây dựng trái phép tại khu công nghiệp “chui” của xã An Thượng

Tràn lan vi phạm

Từng được quy hoạch là vùng đất bãi để trồng cây nông nghiệp lâu năm, nhưng hiện nay khu bãi Vải thuộc thôn Lại Dụ đã gần như được “đô thị hóa” hoàn toàn. Đường nối từ đê sông Đáy ra đây thay vì đường đất thì nay đã được trải bê tông rộng tới mức 2 xe tải có thể tránh nhau. Cuối con đường là những công xưởng với hàng trăm công nhân hoạt động nhộn nhịp từ sản xuất bánh kẹo, thực phẩm cho tới cơ khí hay thiết bị điện. Điều đang nói là tất cả hệ thống nhà xưởng của những doanh nghiệp này đều xây dựng không phép. Thậm chí có một số công trình còn đang xây dựng dở dang với những bức tường chưa kịp trát vữa và hoàn thiện.



Tốc độ cưỡng chế những công trình xây dựng trái phép hết sức chậm chạp

Mặc dù, trụ sở của UBND xã An Thượng cách đó không xa, nhưng những hoạt động này vẫn diễn ra trong một thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn. Điều đáng nói là để hợp pháp hóa những vi phạm trên, trong Nghị quyết sử dụng đất đến năm 2020 và quy hoạch nông thôn mới, xã An Thượng còn đưa khu đất bị xây dựng trái phép này vào quy hoạch cụm công nghiệp của địa phương.

Tuy nhiên, khi trình lên cấp trên thì chủ trương đã không được UBND huyện Hoài Đức chấp thuận bởi nó vi phạm hành lang thoát lũ theo Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Năm 2016, Hạt Quản lý đê điều Hoài Đức đã thống kê có tới hơn 30 công trình nhà xưởng sản xuất nằm trong khu vực hành lang thoát lũ. Tất cả những trường hợp này đều không có thỏa thuận với cơ quan quản lý đê, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Ông Lê Thiên Dương - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Hoài Đức cho biết: “Thời điểm đó, chúng tôi đã thống kê từng trường hợp vi phạm và gửi văn bản cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay việc giải quyết các vi phạm này vẫn chưa thể dứt điểm”.

Nhùng nhằng cưỡng chế

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng thừa nhận, tình trạng tự ý chuyển đối mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở địa bàn xã đã tồn tại cả chục năm nay. Chỉ tính riêng khu vực bãi Vải thì con số thống kê của xã còn cao hơn cả Hạt Quản lý đê điều, lên tới 41 trường hợp.

Từ năm 1994, khu vực này đã hình thành nhà xưởng sản xuất, tuy nhiên do thời điểm đó địa phương quản lý lỏng lẻo nên sự việc trở thành “phong trào” và ngày càng tràn lan. Mặc dù, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND xã An Thượng có biện pháp xử lý, nhưng tình trạng vi phạm vẫn không dừng lại.

Được biết, cuối tháng 6 vừa qua, UBND xã An Thượng đã thông báo sẽ cưỡng chế toàn bộ hệ thống nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nếu như các doanh nghiệp và hộ kinh doanh không tự tháo dỡ. “Tối hậu thư” này gia hạn thời gian thực hiện trong 2 ngày từ 5 đến 7-7.

Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên Báo ANTĐ có mặt thì mọi sự vẫn diễn ra hết sức chậm chạp, nhiều doanh nghiệp vẫn vô tư sản xuất kinh doanh như không hề có chuyện gì xảy ra. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Do số lượng doanh nghiệp vi phạm quá nhiều nên để cưỡng chế, UBND xã sẽ chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ yêu cầu 15 doanh nghiệp tự tháo dỡ và tất cả đều đã ký cam kết sẽ thực hiện xong trong tháng 7. Sở dĩ phải kéo dài thêm thời gian cho họ là bởi các doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị rất lớn nên cần tháo dỡ từ từ để đảm bảo an toàn cho tài sản. Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đề nghị UBND xã hỗ trợ về phương tiện và nhân công”.

Trước câu hỏi, khi nào xã sẽ tiến hành giai đoạn 2 để giải tỏa nốt 26 trường hợp còn lại? Ông Thắng trả lời: “Việc này chúng tôi không thể xác định được. Giai đoạn 1 còn chưa xong thì chẳng thể nói tiếp điều gì”. Như vậy có nghĩa câu chuyện xử lý xây dựng trái phép để khôi phục hành lang thoát lũ sông Đáy ở xã An Thượng vẫn còn kéo dài và không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Nguyễn Long (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.