Cửa xả, kênh rạch, hệ thống cống là để thoát nước. Nếu tự ý san lấp, lấn chiếm hoặc đục phá cống thoát nước, che chắn hố ga… thì đều dẫn đến kết cục nước không có chỗ thoát và sẽ gây ngập. Đây là tình trạng đang rất phổ biến trên địa bàn các quận, huyện ở TPHCM. Để giải quyết tình trạng này, TPHCM đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo ghi nhận, tình trạng lấn chiếm sông rạch để xây quán ăn, nhà ở… trên địa bàn TPHCM hiện rất phổ biến. Các điểm nóng về lấn chiếm kênh rạch hiện nay có thể kể đến các quận như Tân Bình, Bình Thạnh, 6, 8... Kênh rạch, cống thoát nước bị bức tử là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây ngập trên diện rộng vào mỗi mùa mưa, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Mỗi khi bị ngập nước, người dân thành phố lại phải đối mặt với khó khăn trong đi lại và cuộc sống bị đảo lộn. Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM lại cho thấy, tình trạng lấn chiếm các cửa xả để phục vụ lợi ích cá nhân đang rất phức tạp, xử lý không xuể.

Cụ thể, tại cửa xả Nguyễn Khoái (quận 4) có một chốt dân phòng xây dựng ngay trên cống băng xả. Các vị trí cửa xả còn bị xây dựng lấn chiếm dọc tuyến đường Tôn Thất Thuyết (quận 4), gồm đối diện nhà số 182B (1A), đối diện nhà số 237, đối diện nhà số 272, nhà số 1B hay tại cửa xả số 1 đường Nguyễn Hữu Thọ (đối diện đường số 15, quận 7), người dân lấp cửa xả bằng… vườn cây kiểng.

Nhà trên kênh Đôi, quận 8. Ảnh: Thành Trí

Đặc biệt, tại quận 12, tình trạng lấn chiếm cửa xả diễn ra trên diện rộng. Tại cửa xả rạch Út Bon, cửa xả rạch Cầu Suối, cửa xả cầu Ga 2, cửa xả rạch Giao Khẩu... người dân ở đây đã vô tư xây dựng nhà cửa ngay trên miệng cửa xả.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Hân, Ung Văn Khiêm, Vũ Tùng, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh); tuyến đường Dương Bá Trạc, Phong Phú, Phạm Thế Hiển (quận 8); đường An Dương Vương (quận Bình Tân); đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai (quận 9).

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện nay tình trạng lấn chiếm kênh rạch trái phép, xâm hại hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố rất phức tạp, khó xử lý hoặc xử lý không theo kịp phát sinh.

Để hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm cửa xả, kênh rạch làm ách tắc dòng chảy, gây ngập trên địa bàn TPHCM, trung tâm đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp cơ bản như nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ; nâng cao năng lực dự báo, phục vụ công tác giảm ngập nước. Không dừng lại ở đó, thành phố sẽ tổ chức duy tu, nạo vét hệ thống cống.

Trong đó, tập trung trọng điểm ở khu vực thường xuyên bị ngập; khu vực đông dân cư, trường học, bệnh viện. Đồng thời, rà soát và bổ sung kế hoạch trong mùa mưa đối với những tuyến cống có mật độ lắng đọng nhanh; thực hiện nạo vét thông thoáng cửa xả, kênh rạch phục vụ thoát nước.

Thực hiện 78 hạng mục công trình sửa chữa, cải tạo hệ thống cống hiện hữu, đấu nối và mở thêm hướng thoát nước mới; sửa chữa các van ngăn triều bị hỏng; mở mới hầm ga thu nước... Đây là những công trình giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến hẻm, đường nhánh, nạo vét các tuyến kênh rạch trên địa bàn nhằm đảm bảo đồng bộ và thông thoáng dòng chảy. Vận hành 26 trạm bơm với số lượng 56 máy có công suất từ 168 - 84.000m3/giờ, phục vụ bơm khi có mưa, triều cường.

Hạnh Văn (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.