17/02/2011 2:22 AM
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, một số loại thép đã được điều chỉnh tăng từ 300 nghìn đến 800 nghìn đồng/tấn. Vì sao giá thép lại tăng sớm, xu hướng giá thép trong năm 2011 như thế nào, yếu tố nào là chủ quan, yếu tố nào là khách quan?- Chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường về vấn đề này.


Nguồn: satthep.net

- Thưa Chủ tịch, ngay đầu năm, giá thép đã được điều chỉnh tăng. Dường như đây là động thái báo hiệu giá thép có thể tăng mạnh năm 2011?

- Việc tăng giá vừa rồi chỉ là tăng thăm dò. Mức giá thép khoảng 15 triệu đồng/tấn hiện nay không phải quá cao và người tiêu dùng có thể chịu đựng được. Từ cuối năm 2010, đã có báo hiệu từ những nước có nguyên liệu (như quặng và than) và công nghệ cho cán thép. Một số hợp đồng đang bàn thảo ký mới cho năm 2011 đều có xu hướng tăng giá than và quặng. Trong khi đó, việc tăng giá dễ thống nhất, vì 75% hợp đồng quặng của thế giới là do 3 công ty (2 công ty của Úc, 1 của Brazil) cung cấp. Những yêu cầu về tăng giá rất cao, tăng đến 70% giá quặng, 50% giá than cốc so với năm ngoái. Quý 1 năm nay các hợp đồng này sẽ ký. Thời điểm này, tuy các hợp đồng mua nguyên liệu đang trong giai đoạn bàn thảo, nhưng có thể thấy xu hướng tăng là rõ ràng. Nhất là những biến động bên cạnh các nguyên liệu than, quặng, như: xăng dầu, một số kim loại quý hiếm khác.

Ngành thép nước ta cũng không nằm ngoài tác động này, vì nhập đến 40% số lượng phôi. Năm nay sẽ nhập thấp hơn tỷ lệ này, nhưng một số loại nguyên liệu đầu vào ở trong nước có thể sẽ tăng, như giá điện, giá vận tải, giá than. Những yếu tố này cho thấy xu hướng giá thép sẽ tăng vào năm 2011.

- Nếu tăng như vậy, doanh nghiệp thép có mất thị phần thép trong nước hay không, vì giá thép trong khu vực rất cạnh tranh và được nhập khẩu không hạn chế vào nước ta theo cam kết thương mại?

- Không phải giá thép tăng bao nhiêu cũng được, vì còn phụ thuộc vào sản phẩm thép ở khu vực Đông Nam Á, vì thuế nhập khẩu bằng 0%. Do vậy, doanh nghiệp thép tăng giá mà không cân nhắc, thép nước ngoài sẽ chiếm thị phần nước ta. Chúng ta không thể cấm nhập khẩu, mà chỉ có thể bảo vệ sản phẩm thép trong nước bằng các quy định của WTO hay các cam kết thương mại quốc tế không quy định. Ví dụ hiện nay vẫn có đăng ký nhập khẩu tự động. Nhờ vậy chúng ta vẫn kiểm soát được nhập khẩu có ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mức độ nghiêm trọng đến đâu. Nếu nghiêm trọng, chúng ta có quyền đối phó lại bằng cách áp dụng các biện pháp quốc tế cho phép.

- Như vậy để cạnh tranh được, giá thép trong nước không được tăng quá so với giá khu vực và thế giới. Vậy so với khu vực và thế giới, giá thép trong nước đang có dấu hiệu tăng, thì có cạnh tranh được không?

- Như thời điểm hiện tại chúng ta cạnh tranh được, chỉ có một số loại thép cuộn của các nước Đông Nam Á chiếm thị phần lớn, chúng ta chỉ chiếm được 17%. Nhưng với sản phẩm thép cây, chúng ta chiếm thị phần chủ đạo, đây là thép chịu lực, người tiêu dùng Việt Nam tín nhiệm hàng trong nước hơn.

- Áp lực tăng giá điện, than và xăng dầu tạo áp lực tăng giá thép, cụ thể mức độ thế nào, thưa Chủ tịch?

- Chắc chắn là tác động. Tăng giá điện tác động đến sản xuất phôi thép nhiều, vì để sản xuất được 1 tấn thép, tốn từ 500 - 600kWh điện. Còn với cán thép hay sản phẩm thép ống, cán nguội thì chỉ tốn khoảng 100kWh/tấn và chiếm dưới 10% tổng chi phí giá thành. Trong khi đó, phôi và thép phế chúng ta phải nhập khẩu nhiều, như nhập 40% tổng lượng phôi, thép phế nhập 70%, thì phụ thuộc vào giá thế giới.

- Giá thép thuộc diện bình ổn giá, và phải báo giá khi tăng với cơ quan chức năng. Chủ tịch đánh giá thế nào về việc tuân thủ quy định này của doanh nghiệp thép?

- Theo quy định của Bộ Tài chính, 12 doanh nghiệp thép phải đăng ký giá với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Tức là giá tăng - giảm, doanh nghiệp đều phải có giải trình. Còn lại các doanh nghiệp khác đăng ký với Sở Công thương ở địa phương. Đây là biện pháp nhằm kiểm soát giá tăng giảm bất hợp lý. Nếu sự tăng giá đó là bất hợp lý, làm ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực khác… thì cơ quan Nhà nước sẽ phải can thiệp.

Nhưng những yếu tố đầu vào mà doanh nghiệp thép buộc phải chấp nhận tăng chi phí sản xuất mới là nguyên nhân cơ bản. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chính về sản xuất để giữ khách hàng. Nếu tăng giá quá cao, những doanh nghiệp khác sẽ chiếm thị phần. Giữa các doanh nghiệp trong nước đã cạnh tranh gay gắt, vì công suất của nước ta gấp đôi nhu cầu, trong khi doanh nghiệp nào cũng đang cố gắng bán được nhiều hàng.

- Xin cám ơn Chủ tịch!

Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.