01/05/2011 12:09 PM
Trong những con hẻm ngoằn ngoèo giữa trung tâm TPHCM, nhiều căn nhà diện tích chỉ vài mét vuông nhưng có cả gia đình 5-7 người sinh sống

Giữa trưa nắng, chúng tôi tìm đến hẻm 360 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3- TPHCM, nơi được nhiều người mách bảo là “có căn nhà có thể nhỏ nhất Sài Gòn”. Cách đầu hẻm chừng vài chục mét, rẽ vào con hẻm nhỏ hơn, đi vài bước, chúng tôi thấy ngay nhà 360/98A Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhức đầu sắp xếp chỗ ăn, ngủ

Đập vào mắt chúng tôi là căn nhà hình hộp quẹt, ngang 1,2 m, dài 2 m, được cơi nới thêm phần gác lợp tôn, phía trước nồi niêu treo lủng lẳng. Ái ngại bước ra chào khách, chị Nguyễn Thị Dung, chủ nhà, một tay gãi đầu, một tay lôi khách ra đầu hẻm. “Trong nhà không có chỗ ngồi” – chị ngượng ngùng.

Chỉ tay vào nhà, chị Dung lắc đầu: “Tôi tận dụng khoảng sân trước để nấu ăn, hôm nào mưa thì ăn mì gói cho tiện. Còn bên trong nhà chất đủ thứ đồ, quần áo, giày dép, mùng mền, thau chậu... lỉnh kỉnh, khách vô chắc dội ra sớm!”. Khi tôi một mực đòi vào nhà, chị mới miễn cưỡng dẫn vô.

Xếp vội mấy bộ quần áo cho vào một góc, chị phân trần: “Nhà thế này nên tôi không dám sắm bất cứ thứ gì. Tủ quần áo, kệ sách..., tôi ưu tiên sắm thứ gì treo được lại mỏng để tiết kiệm không gian; còn đồ đạc, mùng mền... thì tiện đâu để đó”.

Vậy mà trong ngôi nhà này, trước đây từng có đến 8 người sinh sống. Chị Dung kể: “Căn nhà này do ba mẹ tôi xây từ năm 1989. Năm 18 tuổi, tôi lấy chồng, ba mẹ cho ra riêng ở đây”.

Trong căn nhà này, lần lượt 6 đứa con ra đời, lớn nhất năm nay chỉ 15 tuổi, còn nhỏ nhất mới 4 tuổi. Việc sắp xếp chỗ ngủ cho con cái cũng là nỗi đau đầu, cứ đứa nhỏ xen kẽ với đứa lớn để tận dụng diện tích, còn vợ chồng chị không dám duỗi thẳng chân, thậm chí “không dám giật mình vì sợ tụi nhỏ thức giấc”. Có đêm chị phải ra mái hiên ngủ để nhường chỗ cho con.

alt

Ông Nguyễn Hồng Anh chỉ mơ được ngủ duỗi thẳng chân

Cách đây 4 năm, chị Dung và chồng ly dị. Cám cảnh nhà nhỏ lại đông người, chị ở vậy làm nghề rửa chén mướn nuôi con. “Các con ngày càng lớn, thấy tụi nó sống tù túng nên mấy dì cho 3 đứa qua ở ké. Hiện nay nhà rộng lắm, chỉ có 4 mẹ con tôi ở thôi” - chị Dung cười.

Rời ngôi nhà 2,4 m2 này, men theo hẻm số 1 Tân Thành, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú - TPHCM, chúng tôi đến nhà anh Cống Văn Bửu, cha cháu Nguyễn Thị Hội, người bị tài xế xe container nhẫn tâm cán 3 lần qua người cho đến chết.

Không thể dẫn xe máy vào nhà, chúng tôi đành để xe ở đầu hẻm. Leo qua chiếc xe máy án ngữ giữa nhà, chúng tôi mới đến được cầu thang, lên tầng 1 và gặp anh Bửu. Nép người đợi chúng tôi lên xong, chị Nguyễn Thị Nhịp, vợ anh, lại lọ mọ xuống cầu thang rót nước mời khách.

alt

Nhà siêu nhỏ của chị Nguyễn Thị Dung

“Nhà này vốn là cái hầm vuông vức của người ta dùng chứa đồ vứt đi, mỗi bề1,8 m, tôi mua lại từ năm 1998, một năm sau mới có tiền cất cái gác để ở. Sau khi người ta đền tiền cho cháu Hội, tôi mới nâng thêm 2 gác nữa, phần trệt để một xe máy, gác 2 là chỗ ngủ của vợ chồng tôi, còn gác 3 để con gái út ngủ và đặt bàn thờ Hội, trên cùng là nhà vệ sinh, nhà bếp...” - chị Nhịp cho biết.

Nhà “3 tầng” nhưng vợ chồng anh Bửu cũng không dám bày đồ đạc nhiều, sợ choán diện tích, ngoài chiếc tủ thờ đặt di ảnh Hội. “Vậy chiếc xe máy của anh Bửu sẽ để đâu?” - tôi thắc mắc. Chị Nhịp bảo: “Để ngoài đường, khóa lại. Hôm rồi có tay trộm định cắt khóa nhưng hàng xóm phát hiện kịp thời nên chưa mất xe”.

“Chia sẻ không gian”

Chúng tôi cứ nghe chủ nhân những căn nhà siêu nhỏ phân trần như thể tự an ủi: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Ăn thì nhiều, ở bao nhiêu”, “Nhà nhỏ mà nằm co chân thì cũng ấm lắm, nhất là mùa lạnh”... Tuy nhiên, nhà siêu nhỏ gặp mùa nóng bức thì thật khổ sở.

Giữa cái nóng 35°C, bước vào căn nhà ngang 1,5 m, dài 5 m nằm trong hẻm 151 Nguyễn Trãi, quận 1 - TPHCM, tôi như nghẹt thở.

Ông Nguyễn Hồng Anh, chủ nhà, ái ngại: “Nhà của Nhà nước cấp, lúc trước cũng rộng nhưng em gái tôi đã bán đi một nửa. Tôi phải cơi thêm một gác nhỏ để hằng đêm ngả lưng. Nhiều đêm tôi phải xin đi trực đêm để rộng nhà, bởi già rồi, ngủ co chân hoài khó chịu quá”.

Gần đó, chị Võ Thị Thu Nga cùng 2 con sống trong căn nhà cũng ngang 1,5 m, dài 5 m. Chị Nga giỏi sắp xếp nên nhà trông khá thoáng: Lu nước đặt âm dưới đất, phía trên tận dụng đặt nồi niêu, xoong chảo...

Chị Nga hy vọng: “Nhà này do Nhà nước cấp, chúng tôi mong sớm được di dời theo kế hoạch để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho đời con cháu”.

Trong những căn nhà siêu nhỏ chúng tôi ghé thăm, chủ nhà ngoài việc tính toán sắp xếp chỗ để đồ đạc, bếp núc sao cho thật tiện lợi còn phải bố trí giờ giấc làm việc của các thành viên trong gia đình thật hợp lý.

Gia đình chị Thanh (hẻm 151 Nguyễn Trãi) có 6 người sống chung trong căn nhà diện tích chưa tới 10 m2 thì 3 người đi làm ban ngày, còn lại đi làm ban đêm để “chia sẻ không gian”.

Vẫn thích bám trụ

Sống trong nhà siêu nhỏ với nhiều bất tiện nhưng xem ra nhiều người vẫn thích bám trụ, bởi nơi đây họ có kế sinh nhai.

“Chuyển đi nơi khác, dù ở nhà rộng hơn, thích hơn thật nhưng làm gì sống đây? Vợ tôi buôn bán nhỏ, tôi chạy xe ôm, làm hồ nhưng xoay xở cũng sống được”- ông Bửu cho biết.

Cafeland.vn - Theo Nguoilaodong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.