09/01/2021 11:07 AM
CafeLand - Thực tế một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ, lỗ liên tục nhiều năm, hết cả vốn nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm vẫn tăng đều. Điều này đặt ra nghi vấn về việc “chuyển giá” của các doanh nghiệp FDI này.

Những nghịch lý

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, có 3.545 doanh nghiệp FDI (chiếm 55%) báo lỗ tổng hơn 131.400 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là 2.160 doanh nghiệp trong số này vẫn báo cáo tăng trưởng doanh thu. Doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ được ghi nhận khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó thậm chí có nhiều doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế nhiều năm, đến hết năm 2019 có 14.822 doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế khoảng 520.700 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2018 và 2019, hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất là Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina, liên tục báo lỗ trong nhiều năm.

Cụ thể, mặc dù hai năm liền tình hình tài chính bị tác động do giá sắt, thép toàn cầu trong xu hướng giảm, tổng doanh thu của hai doanh nghiệp vẫn tăng từ 77.456 tỷ đồng lên 82.741 tỷ đồng, còn nộp ngân sách lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng.

Theo thông tin của Cục thuế, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại nằm trong nhóm ngành có tỷ suất lợi nhuận cao lên đến gần 30%.

Một số báo cáo khác cho thấy, có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có báo cáo tài chính lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi.

Điều này mâu thuẫn khi nhìn chung các doanh nghiệp nội địa thường được đánh giá có năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI cùng ngành. Điều đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ luỹ kế đến mức âm vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phá sản, đóng cửa sản xuất.

Nghi vấn chuyển giá

Ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay nó đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước (hay hoạt động này còn được gọi là chuyển giá nội địa).

Mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hoá nghĩa vụ tính nộp thuế trong tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tối đa hoá lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng miền, quốc gia.

Một số hình thức chuyển giá phổ biến có thể kể đến như doanh nghiệp nâng cao giá của yếu tố đầu vào. Theo đó, công ty mẹ bán máy móc thiết bị hàng hóa vật tư, nguyên liệu đầu vào cho công ty con ở Việt Nam với giá cao, làm tăng chi phí không hợp lý, giảm nghĩa vụ thuế.

Hay có thể thông qua hoạt động xuất khẩu sản phẩm ngược trở lại công ty mẹ với giá thấp hơn so với giá thị trường, làm giảm lợi nhuận công ty con ở Việt Nam, qua đó cũng trốn thuế.

Hình thức trốn thuế phổ biến nữa là giao công ty mẹ ở nước ngoài trúng thầu các hợp đồng cung cấp hàng hoá, thiết bị tại Việt Nam với giá cao, nhưng giao cho công ty con ở Việt Nam thực hiện trực tiếp và chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho đối tác nhưng mức giá rất thấp, qua đó lợi nhuận nằm chính ở công ty mẹ.

Hoặc có hình thức với nhóm các công ty liên kết trong nước, các công ty mẹ ký hợp đồng và giao khoán cho các công ty con đang được hưởng ưu đãi về thuế. Những công ty con này thường là mới thành lập hoặc đang có trụ sở ở địa bàn đang được ưu đãi về thuế. Ví dụ ký hợp đồng 100 đồng và giao khoán lại giá 95 đồng, đẩy toàn bộ lợi nhuận về chi nhánh, hoặc công ty con ở địa bàn đang được ưu đãi thuế.

Một số trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá phải nói đến Công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.

Do lỗ liên tục như vậy nên Coca-Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Tuy lỗ lớn như vậy nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.

Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm qua PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD).

Báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước thực sự khiến không ít người phải giật mình. Cụ thể, kết quả thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI thì có tới 720 doanh nghiệp vi phạm. Đáng lưu ý là tại một số đơn vị, tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như Bắc Giang, Hòa Bình, Gia Lai,…

Chủ đề: Thuế doanh nghiệp
  • FDI bất động sản bùng nổ cuối năm

    FDI bất động sản bùng nổ cuối năm

    CafeLand - Năm 2020, dòng vốn FDI chảy vào bất động sản diễn ra đầy biến động, “xẹp” vào đầu năm và bùng nổ mạnh vào những tháng cuối năm. Trong đó, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương trở thành những điểm nóng hút vốn FDI nhất trong năm nay.

Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.